Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả giảm nghèo cho người dân vùng biên

10:55, 05/01/2020

Trong 5 năm qua, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại huyện Ea Súp đã tác động tích cực lên nhiều mặt đời sống của người dân, đặc biệt là phát triển kinh tế hộ, bước đầu hình thành tổ chức kinh tế tập thể để phát triển thị trường cho nông sản vùng biên, nối dài giá trị của nguồn hỗ trợ ban đầu.

Cải thiện thu nhập nhờ tiểu dự án sinh kế

Trong 5 năm qua, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ea Súp đã triển khai nhiều phần việc quan trọng trong việc hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, nâng cao mức sống. Dự án đã xây dựng 297 tiểu dự án sinh kế với 212 nhóm chăn nuôi và 85 nhóm trồng trọt; hỗ trợ cho 4.463 hộ hưởng lợi trong đó có 3.813 hộ nghèo, 2.037 hộ dân tộc thiểu số. Đến nay, nhiều hộ đã phát triển mô hình sản xuất từ hỗ trợ ban đầu của dự án, tận dụng tốt lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm nông nghiệp như: lúa gạo, tinh dầu, heo rừng lai, bò, dê, chim bồ câu…

Khách hàng tìm hiểu lúa Khẩu Xiên Lăm hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp tại Hội chợ nông nghiệp  và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019.
Khách hàng tìm hiểu lúa Khẩu Xiên Lăm hữu cơ của HTX Giảm nghèo Ea Súp tại Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại Đắk Lắk năm 2019.

Chị Trịnh Thị Nhung (thôn 14B, xã Ya Tờ Mốt) tham gia nhóm sinh kế từ năm 2016 với mô hình được các thành viên trong nhóm lựa chọn là nuôi bồ câu Pháp. Cùng với các thành viên trong nhóm, chị được tham gia các buổi sinh hoạt, tập huấn về kỹ thuật nuôi bồ câu và được cấp kinh phí mua 40 con giống để xây dựng mô hình.

Chị cho biết, so với nuôi gà, nuôi bồ câu Pháp ít rủi ro do loài chim này có sức đề kháng tốt, ít nhiễm bệnh. Từ hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, chị Nhung ứng dụng mô hình đệm lót sinh học để giảm công dọn chuồng và đảm bảo môi trường thoáng sạch cho chim sinh trưởng. Chị cũng tận dụng được các loại nông sản do gia đình sản xuất như lúa, ngô, đậu xanh… nên chi phí chăn nuôi thấp, chất lượng thịt thơm ngon. Đến nay, chị đã phát triển mô hình lên 1.200 con với diện tích chuồng trại khoảng 100 m2. Bình quân mỗi tháng, chị bán 50 con chim bồ câu non tại chợ địa phương với giá 40.000 đồng/con.

Anh Đinh Văn Thông, trưởng nhóm nuôi heo rừng lai tại thôn 5, xã Ia R’vê cho biết, giữa năm 2018, mỗi hộ trong nhóm được dự án cấp kinh phí mua 3 heo giống (2 heo cái và 1 heo đực) và được tập huấn chăn nuôi để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh. Đến nay, phần lớn các hộ trong nhóm đều duy trì tốt mô hình, heo giống đã sinh sản được 1 - 2 lứa heo con, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Bước đầu liên kết thị trường

Đến hết tháng 12-2019, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên kết thúc theo đúng lộ trình. Các mô hình sinh kế do Dự án hỗ trợ đã phát huy hiệu quả bước đầu, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số trong vùng dự án mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm lương thực, thực phẩm từ các hộ tham gia dự án chỉ tiêu thụ tại địa phương hoặc phụ thuộc vào thương lái tự do khiến giá trị hàng hóa chưa cao và rất khó mở rộng thị trường theo từng nhóm sản phẩm đơn lẻ.

HTX Giảm nghèo Ea Súp là một trong 3 HTX trên toàn tỉnh được lựa chọn hỗ trợ từ nguồn xây dựng nông thôn mới của Trung ương, làm tiền đề để triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) kết hợp với phát triển du lịch nông thôn.

Đầu năm 2019, Hợp tác xã (HTX) Giảm nghèo Ea Súp ra đời với mục tiêu liên kết các nhóm sinh kế, xây dựng thị trường cho các sản phẩm thế mạnh vùng biên. HTX đã liên kết với khoảng 20 nhóm sinh kế hoạt động hiệu quả tại vùng dự án. Nhờ đó, nguồn cung ứng sản phẩm của HTX khá đa dạng và dồi dào. Ngoài sản phẩm chính là lúa gạo, HTX còn cung ứng các sản phẩm tinh dầu, dê, bồ câu, heo rừng lai… với chất lượng tốt, giá thành hợp lý đến người tiêu dùng.

Tháng 8-2019, HTX đã mở cửa hàng phân phối tại TP. Buôn Ma Thuột, tổ chức kinh doanh các mặt hàng do nhóm sinh kế sản xuất. HTX cũng đã xây dựng 10 ha lúa đen canh tác hữu cơ, được cấp chứng nhận ISO và đã bước đầu tiếp cận phân khúc thị trường lúa gạo chất lượng cao với nhãn hiệu “Khẩu Xiên Lăm”.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc HTX Giảm nghèo Ea Súp chia sẻ, bước đầu, HTX đã nhận được nhiều đánh giá tốt từ khách hàng về các sản phẩm do bà con vùng biên sản xuất. Hiện các sản phẩm từ lúa gạo của HTX đang được thị trường đón nhận tích cực, doanh số đạt 4 tấn/tháng. HTX sẽ tiếp tục liên kết với người dân để tăng diện tích lúa hữu cơ trong các vụ kế tiếp, tập trung vào các giống chất lượng cao như: Khẩu Xiên Lăm, 5451, ST24…

Anh Đinh Văn Thông phát triển mô hình nuôi heo rừng lai từ hỗ trợ ban đầu của Dự án Giảm nghèo.
Anh Đinh Văn Thông phát triển mô hình nuôi heo rừng lai từ hỗ trợ ban đầu của Dự án Giảm nghèo.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Ea Súp Nguyễn Việt Đức cho biết, đa dạng hóa các loại hình sinh kế sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng, hướng tới việc cải thiện thu nhập bền vững cho các hộ dân tham gia dự án. Chính vì vậy, việc liên kết người dân và các nhóm sinh kế thông qua mô hình kinh tế tập thể là bước nối tiếp quan trọng, vừa có tính kế thừa các kết quả của dự án trong thời gian qua, vừa tiếp tục động viên, hỗ trợ bà con thay đổi tư duy sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao giá trị hàng hóa cho các sản phẩm thế mạnh vùng biên.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.