Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực vượt khó của ngành Ngân hàng

09:31, 09/01/2020

Thời gian qua, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp huy động vốn, chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để bảo đảm thanh khoản, đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, do hạn hán, dịch bệnh, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm giá... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, năm 2019 được xem là giai đoạn khá khó khăn đối với ngành Ngân hàng so với vài năm trở lại đây.

Huy động yếu, cho vay khó

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk (NHNN), tính đến ngày 31-12-2019, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được 47.720 tỷ đồng, tăng 9% (tăng 3.939 tỷ đồng) so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn từ tiền gửi ước đạt 46.750 tỷ đồng, chiếm 98% nguồn vốn huy động, tăng 8,4% so với đầu năm; huy động từ phát hành giấy tờ có giá 970 tỷ đồng, chiếm 2% nguồn vốn huy động, tăng 50,2% so với đầu năm.

Đáng lưu ý là huy động vốn trên 12 tháng chỉ đạt 10.710 tỷ đồng, chiếm 22,4% nguồn vốn huy động, giảm 14,4% so với đầu năm. Mặc dù huy động vốn toàn địa bàn gần tương đương với tốc độ tăng trưởng năm 2018 (9,1%), nhưng lại không đạt chỉ tiêu định hướng (10 – 12%/năm).

Nguyên nhân chủ yếu do giá cả một số nông sản chủ lực của tỉnh (như tiêu hạt, cà phê, sầu riêng...) giảm mạnh; diện tích hồ tiêu bị dịch bệnh chết nhiều; chịu ảnh hưởng của các đợt thiên tai; dịch bệnh ở heo (lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả heo châu Phi...) xảy ra trên địa bàn đã làm giảm đáng kể thu nhập và tích lũy của người dân. Bên cạnh đó, biến động giá vàng tăng và thị trường bất động sản cũng thu hút một lượng vốn nhàn rỗi đáng kể từ khu vực dân cư.

Một hộ dân trên địa bàn huyện Krông Pắc phát triển mô hình cây ăn trái từ nguồn vốn vay.
Một hộ dân trên địa bàn huyện Krông Pắc phát triển mô hình cây ăn trái từ nguồn vốn vay.

Trong khi đó, trong năm 2019, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn cũng không đạt chỉ tiêu đề ra. Tính đến 31-12-2019, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn được gần 102,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13% (11.805 tỷ đồng) so với đầu năm (nếu tính cả dư nợ cho vay của Ngân hàng Phát triển Khu vực Đắk Lắk – Đắk Nông thì tổng dư nợ đạt 103.734 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn 61.790 tỷ đồng, chiếm 60,2% tổng dư nợ cho vay, tăng 13,5% so với năm 2018; dư nợ cho vay trung, dài hạn 40.800 tỷ đồng, chiếm 39,8% tổng dư nợ cho vay, tăng 12,2% so với năm 2018. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 13%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2018 (14,6%).

Bên cạnh việc một số chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng khá thấp (bình quân tăng khoảng 10,36%) thì nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu vay vốn đầu tư, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi heo... giảm thấp.

Tín hiệu tích cực của dòng vốn

Theo đánh giá của NHNN, mặc dù diễn biến nền kinh tế không thuận lợi, nhưng các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chất lượng hoạt động. Thực hiện Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 theo quyết định của UBND tỉnh, các tổ chức tín dụng đã tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất, các ngành, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển; đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của tỉnh theo Đề án của chương trình.

Tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn; tập trung rà soát khách hàng vay vốn, trong đó tập trung khách hàng vay vốn trồng, chăm sóc hồ tiêu, cà phê để áp dụng kịp thời các biện pháp tín dụng giúp người vay giảm bớt khó khăn, duy trì và khôi phục sản xuất…

Cán bộ Agribank Đắk Lắk (bên phải) kiểm tra hiệu quả vốn vay tái canh cà phê của một doanh nghiệp  trên địa bàn huyện Ea Kar.
Cán bộ Agribank Đắk Lắk (bên phải) kiểm tra hiệu quả vốn vay tái canh cà phê của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar.

Nhờ đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng tín dụng không đạt chỉ tiêu định hướng, nhưng cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch phù hợp với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, dư nợ cho vay ngành thương mại dịch vụ tăng 14,7%, dư nợ cho vay ngành nông, lâm nghiệp tăng 12,4% so với đầu năm. Đặc biệt, tình hình lãi suất cho vay trên địa bàn tiếp tục được bảo đảm ổn định khi các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng lãi suất phổ biến ở mức 5,5 - 6,0%/năm, lãi suất cho vay thông thường phổ biến ở mức 8,5 - 11,0%/năm đối với cho vay ngắn hạn; 10,0 -12,5%/năm đối với cho vay trung dài hạn; cho vay ngoại tệ phổ biến từ 4 - 6%/năm. Qua đó đã giúp các thành phần kinh tế trên địa bàn có thêm cơ sở để phát triển sản xuất kinh doanh.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.