Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ trồng cây ăn trái bên dòng Sêrêpốk

09:31, 07/01/2020

Nhờ nguồn nước sông Sêrêpốk, vườn cây ăn trái có múi của anh Triệu Hùng (thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) đã cho những mùa quả ngọt.  Gia đình anh từ chỗ nghèo khó đã vươn lên khá giả.

Tết này là cái Tết thứ ba gia đình anh Triệu Hùng được đón Xuân trong ngôi nhà mới khang trang trị giá  trên 1 tỷ đồng. Anh Hùng phấn khởi cho biết, ngoài niềm vui có của ăn của để, gia đình cũng đã lo cho các con ăn học trưởng thành. Chưa bao giờ hai vợ chồng anh nghĩ sẽ có được cuộc sống như hiện nay, bởi đã trải qua rất nhiều gian nan, có lúc tưởng không thể nào vươn lên được.

 Anh Triệu Hùng đang cắt cỏ trong vườn cam.
Anh Triệu Hùng đang cắt cỏ trong vườn cam.

Quê ở huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn), năm 1992 khi mới 20 tuổi, anh Hùng theo người thân vào Buôn Đôn lập nghiệp. Sau vài năm làm lụng, anh đã mua được 1 ha đất đồi ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl để trồng cà phê, tiêu và điều. Cũng tại đây, anh gặp và kết hôn với chị Hứa Thị Hoàn. Đôi vợ chồng trẻ, hai đứa con nhỏ, nụ cười chưa chớm môi đã tắt. Cháu thứ hai bị bệnh tan máu bẩm sinh, những đồng tiền hiếm hoi kiếm được đều dồn vào việc truyền máu cho con... Cái khó lại đè lên cái khó bởi khi cuộc sống mới tạm ổn, vườn cây đang vào độ thu hoạch sung mãn thì bị giải tỏa.

Năm 2004, toàn bộ diện tích đất vườn của anh Hùng bị giải tỏa để xây dựng Thủy điện Sêrêpốk 3. Anh được đền bù hơn 2 ha tại khu tái định cư ở thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl. Khu đất này không được màu mỡ, nhưng thuận lợi là nằm bên bờ hồ, lại sát hệ thống đường tải điện, rất thuận lợi cho việc tưới tiêu. Chuyển về định cư ở vùng đất mới, ngày vẫn đi làm thuê kiếm tiền, đêm anh tranh thủ chặt gốc le, dọn đá, san đất, đào hố để trồng điều, cà phê và rau quả. Vườn cây công nghiệp phát triển kém, năng suất thấp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.

Toàn xã Ea Nuôl hiện đã có 300 ha cam, quýt. Diện tích nhiều nhất tập trung ở thôn Tân Phú và buôn Ko Đung. Nhờ trồng cam, quýt nhiều hộ dân trong xã đã thoát nghèo.

Năm 2012, sau khi đi tham quan vườn cây ăn trái của một người bạn ở huyện Ea Kar, anh Hùng tìm hiểu, học hỏi về cách trồng, kỹ thuật chăm sóc loại cây này và mạnh dạn vay mượn bạn bè, thế chấp diện tích đất vườn của gia đình để lấy vốn đầu tư trồng 3.000 cây cam và 1.000 cây quýt. Nhờ cần cù chịu khó và áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc chăm sóc nên vườn cam, quýt của anh đã phát triển tốt và sau 3 năm đã cho thu hoạch vụ đầu. Năm 2017, vườn cam, quýt của gia đình anh cho thu 30 tấn quả, doanh thu đạt 700 triệu đồng. Hai năm gần đây, vườn cam, quýt của gia đình anh liên tục cho thu 50 tấn quả, tuy giá bán thấp hơn trước, nhưng mỗi năm vẫn thu được gần 500 triệu đồng.

Anh Triệu Hùng bên ngôi nhà mới khang trang.
Anh Triệu Hùng bên ngôi nhà mới khang trang.

Theo anh Triệu Hùng, ngoài khâu chọn giống, áp dụng cách thức chăm sóc, việc trồng cam, quýt cần nhất là phải có nguồn nước tưới dồi dào. Vườn cây của anh được tưới bằng nước sông nên quả mọng, đẹp mã, ngọt thanh. Điều đáng nói là sản phẩm không hề có hóa chất, an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, các nhà thu mua đến tận vườn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.