Multimedia Đọc Báo in

Khẩn trương xây dựng kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp diễn biến dịch Covid-19

09:00, 24/02/2020

Dịch Covid-19 tác động lớn đến nhiều quốc gia. Với Việt Nam, dịch bệnh cũng đã, đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế; đòi hỏi phải kịp thời có những giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả để ứng phó cả trước mắt và lâu dài.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các kịch bản phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, chủ động ứng phó hiệu quả và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch Covid-19, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại; chưa đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên các lĩnh vực

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đánh giá diễn biến và tác động, ảnh hưởng trên các lĩnh vực của dịch Covid-19; các giải pháp để kiểm soát tình hình, hạn chế lây lan, phát tán dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân; cập nhật, rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo các diễn biến tình hình dịch. Riêng với kịch bản tăng trưởng GDP theo chỉ tiêu đã đề ra (6,8%) cần xác định rõ các mức phấn đấu cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực trong mỗi quý và có những giải pháp, đối sách kịp thời, hiệu quả để thực hiện.

Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.Gia
Sản xuất thép ở Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á, Khu Công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N.Gia

Thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước mắt chưa đặt vấn đề điều chỉnh tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác. Khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư các dự án, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2020, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, thanh toán điện tử. Phát triển hợp lý thị trường bất động sản, đặc biệt là thúc đẩy mạnh mẽ phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo.

Tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu có kế hoạch tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa, mở rộng thị trường quốc tế, tận dụng tốt cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời đẩy mạnh khai thác và phát triển thị trường nội địa, nâng cao sức tiêu dùng trong nước. Lập phương án để kịp thời nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất; thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng; kiểm soát tốt thị trường, giá cả, nhất là mặt hàng thịt lợn và các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, "găm" hàng tăng giá. Tăng cường phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; xử lý nghiêm các vi phạm.

Đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực, trong đó có du lịch, dịch vụ như miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa, chi phí logistic… để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí sản xuất kinh doanh để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Buôn Ma Thuột.    Ảnh: Đ.Lan
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Đ.Lan

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 và diễn biến thị trường, bảo đảm tín dụng phục vụ nhu cầu vay vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19; rà soát tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, đề xuất các giải pháp khắc phục kịp thời tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Ổn định, giữ vững và phát triển các quan hệ đối ngoại, chuẩn bị và tổ chức tốt các sự kiện đối ngoại quan trọng của đất nước trong năm 2020. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin truyền thông, tạo niềm tin trong nhân dân vào chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các cấp, các ngành trong kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy sản xuất kinh doanh các lĩnh vực

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; phát động các phong trào khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực, địa bàn theo dõi, góp phần hoàn thành các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội quyết định; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và trong từng ngành, lĩnh vực để nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn với các biến động; nghiên cứu thành lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời đề xuất các giải pháp về kinh tế, tài chính, sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiểu các tác động, ảnh hưởng, bù đắp giảm sút kinh tế do dịch bệnh.

Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, cả trước mắt và dài hạn, trong đó có các giải pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các ngành, lĩnh vực và các giải pháp về hoàn thiện thể chế, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ổn định tâm lý tiêu dùng và tâm lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.