Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, phát huy tiềm lực doanh nghiệp (*)

09:06, 06/02/2020

LTS: Sáng ngày 5-2, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Báo Đắk Lắk trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Sau một buổi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp đã hoàn thành chương trình đề ra.

Tại hội nghị này, chúng ta đã dành phần lớn thời gian để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, khuyến nghị quý báu và đầy trách nhiệm của các doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh; khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng như hiến kế cho lãnh đạo tỉnh các cơ chế, chính sách thu hút, mở rộng, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh; nhất là trên các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh nhưng thời gian qua chưa được khai thác tốt nhất. 

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: T.Hải
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu tại hội nghị. Ảnh: T.Hải

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi ghi nhận, tiếp thu và trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết trên nhiều mặt của quý đại biểu cũng như những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua; tạo nên thành công của doanh nghiệp và cũng chính là thành công của tỉnh. 

Trên cơ sở những ý kiến tham gia của quý đại biểu tại hội nghị này, để đảm bảo là chính quyền phục vụ và kiến tạo, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, sự quan tâm hợp tác của nhà đầu tư là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành và các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả một số vấn đề sau:

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: N.Hoa
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: N.Hoa

Một là, bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Chính phủ, của Tỉnh ủy, tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ chính trị, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2020 của Chính phủ, triển khai thực hiện tốt Quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; đồng thời, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh nhằm nắm bắt và xử lý kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp; gắn với tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh tế đã được Hiến pháp quy định; kịp thời rà soát, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn; kiến nghị cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh thật sự không cần thiết, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, bình đẳng; đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục hành chính, nhất là về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, cấp phép, thuế, xuất khẩu, nhập khẩu, giải quyết tranh chấp, tố tụng, xét xử, thi hành án, phá sản… Phấn đấu đến năm 2025 chỉ số cải cách hành chính của tỉnh Đắk Lắk nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu.

Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, ứng dụng những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân, nông dân và các nhà khoa học cũng như liên kết trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, hình thành chuỗi cung ứng/chuỗi sản xuất/chuỗi giá trị.

Tập trung quyết liệt trong giải quyết tiếp cận đất đai, xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Đồng thời, ưu tiên phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch và phát triển công nghiệp; phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh (năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm, ứng dụng công nghệ 4.0…), gắn với kinh tế số, sáng tạo, khởi nghiệp.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tìm hiểu thông tin về sản phẩm của một doanh nghiệp được giới thiệu tại Hội nghị. Ảnh: N.Hoa

Ba là, đổi mới công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông để thúc đẩy liên kết vùng, đặt biệt là đường sắt (Buôn Ma Thuột - Tuy Hòa), cao tốc, quốc lộ (vành đai phía đông TP. Buôn Ma Thuột, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 29, đường vành đai phía tây 2, xây dựng đường cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa); và phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế. Mặt khác, chủ động lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với chiến lược, định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế, cũng như phát huy lợi thế so sánh của tỉnh; phát triển hạ tầng năng lượng, viễn thông, cấp, thoát nước, thủy lợi, xử lý chất thải, dịch vụ hậu cần lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ thuận tiện, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của doanh nghiệp về mặt bằng sản xuất, kinh doanh với hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ đầy đủ và chi phí hợp lý.

Bốn là, đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, chú trọng phát huy hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người lao động; nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã, người lao động tiếp cận nguồn vốn vay, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường; tăng cường hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản và có biện pháp hiệu quả ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, bóp méo giá cả, nhất là đối với hàng nông sản.

Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp tỉnh nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: N.Hoa
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: N.Hoa

Năm là, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh khẳng định quyết tâm chính trị là sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sẽ luôn quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Đảng, các tổ chức quần chúng trong doanh nghiệp, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Sáu là, phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các thành phần kinh tế; phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; làm tốt vai trò tổ chức đại diện, tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Tích cực tham gia các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nếu Tây Nguyên là địa bàn chiến lược trong bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược”. Hướng phát triển của Đắk Lắk vẫn phải là sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp của Đắk Lắk tăng trưởng hơn 4,2% với nhiều mặt hàng đứng đầu cả nước như cà phê, tiêu, sắn. Tỉnh ta cũng là tỉnh có số lượng công ty nông, lâm nghiệp nhiều nhất nước với 25 công ty trực thuộc tỉnh và 21 công ty thuộc Trung ương. Mục tiêu của tỉnh trong những năm tới là xây dựng Đắk Lắk trở thành thủ phủ của Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể nào đạt được mục tiêu này nếu thiếu vắng những doanh nghiệp hùng hậu, những doanh nhân có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt với khả năng cạnh tranh cao chính là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh. Với những thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới 2020 cho thấy cơ hội để doanh nghiệp trong tỉnh trỗi dậy là rất lớn. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh ta hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới. Doanh nghiệp nhà nước phải không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh để làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác; kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể phải thực sự trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế, thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Để làm được điều đó, trước tiên, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động đổi mới chính mình, đổi mới tư duy kinh doanh, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, tranh thủ những cơ hội, thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định FTA, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường; coi đây là yếu tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp trình bày ý kiến tại hội nghị.   Ảnh:  T.Hải
Đại diện doanh nghiệp trình bày ý kiến tại hội nghị. Ảnh: T.Hải

Một doanh nghiệp không thể tồn tại lâu dài nếu lãnh đạo doanh nghiệp thiếu hiểu biết và thực hiện không nghiêm túc trách nhiệm pháp lý của mình. Đội ngũ doanh nhân muốn có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, cần thường xuyên nâng cao nguồn nhân lực, đổi mới, sáng tạo và từng bước tiếp cận chuẩn mực pháp luật quốc tế và quản trị doanh nghiệp; giải quyết tốt mối quan hệ giữa năng suất và tiền lương, cũng như các chế độ, chính sách đối với người lao động; bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình; nếu doanh nghiệp chia sẻ lợi ích của mình với cộng đồng xã hội sẽ được xã hội công nhận, tôn vinh và ngược lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, doanh nhân cũng cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Lãnh đạo tỉnh luôn mong muốn các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn và khuyến khích áp dụng công nghệ quản trị hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Lãnh đạo tỉnh cũng trân trọng và chào đón các nhà đầu tư và doanh nghiệp kinh doanh, khởi nghiệp tại tỉnh nhưng không hoan nghênh những hoạt động làm ăn không chân chính; kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các doanh nghiệp có hành vi gây ô nhiễm, phá hoại tính bền vững của môi trường tự nhiên; gây ảnh hưởng tiêu cực tới các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội; sử dụng lao động bất hợp pháp, trẻ vị thành niên, phân biệt đối xử, ít quan tâm tới quyền lợi người lao động; sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân; các hành vi trốn thuế, buôn lậu, gian lận thương mại.

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tham quan, chụp hình lưu niệm với các doanh nhân tại
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cùng các đại biểu tham quan, chụp hình lưu niệm tại một gian hàng  được giới thiệu tại Hội nghị. Ảnh: N.Hoa

Một vấn đề lớn đặt ra trong tình hình hiện nay là tinh thần đoàn kết, đoàn kết là yếu tố thành bại của doanh nghiệp, đoàn kết để làm doanh nghiệp lớn hơn “khi đơn độc chúng ta làm rất ít, cùng nhau chúng ta có thể tạo ra nhiều thứ”. Điều mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Tôi mong rằng các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ phát huy tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, gắn bó với nhau khi khó khăn, tương trợ lẫn nhau, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước; chuyển mạnh từ sản xuất theo hộ gia đình riêng lẻ sang mô hình sản xuất hợp tác, liên kết, tập trung, quy mô lớn; hạn chế tình trạng sản xuất, kinh doanh khép kín, cục bộ, không minh bạch; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với tinh thần là dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, làm giàu cho chính mình và cho xã hội, tôi tin tưởng trong thời gian tới, tỉnh ta sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn nữa, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh ta có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.

Tôi tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp Đắk Lắk sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, vượt qua khó khăn, thử thách, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh.

----------------------------------------------------

(*) Tựa bài do Báo Đắk Lắk đặt

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.