Multimedia Đọc Báo in

Cán bộ Hội Nông dân năng động, làm kinh tế giỏi

09:16, 04/03/2020

Nhắc đến ông Nguyễn Văn Quý, Chi hội phó Chi hội Nông dân thôn 7, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar), ai cũng nể phục bởi sự năng động, nhạy bén trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thành công lớn nhất của ông Quý là đầu tư chăn nuôi thỏ theo hướng hàng hóa; gia đình ông cũng là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương phát triển mô hình này. Bước đầu, do vốn liếng không nhiều ông chỉ nuôi với quy mô nhỏ (12 con thỏ lớn, nhỏ). Giống thỏ được ông nuôi là thỏ New Zealand. Khi mới bắt tay vào nuôi, do ông chưa chú trọng vệ sinh chuồng nuôi, phun thuốc sát trùng và phòng bệnh nên đàn thỏ mắc bệnh và chết, tỷ lệ hao hụt lớn... Sau một thời gian học hỏi, rút kinh nghiệm, ông đã khắc phục được những hạn chế trong chăn nuôi, đến nay đàn thỏ của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ thỏ, nhất là thỏ con bị nhiễm bệnh và chết hầu như không còn.

       Ông Quý (bên trái) chia sẻ  kinh nghiệm  nuôi thỏ  với khách tham quan.
Ông Quý (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm nuôi thỏ với khách tham quan.

Thấy chăn nuôi thỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư thấp, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không lớn, ông Quý đã bàn bạc với gia đình mở rộng quy mô đàn, nâng số lượng thỏ mẹ lên 30 con. Chuồng nuôi được ông làm kiên cố, với diện tích khoảng 60 m2, phân ra nhiều dãy và ngăn, kích thước mỗi ngăn dài khoảng 1 m và rộng 50 cm. Hiện trong chuồng nuôi của gia đình ông luôn duy trì từ 200 - 400 con thỏ lớn nhỏ, đặc biệt có những đợt lên đến 500 - 600 con. Trung bình mỗi năm ông xuất bán ra thị trường từ 1,5 - 2 tấn thỏ thịt (trọng lượng bình quân 2,5 – 3 kg/con); chưa kể bán thỏ giống. Với giá bán bình quân mỗi con thỏ giống từ 100.000 - 150.000 đồng và thỏ thịt dao động từ 65.000 - 100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, mỗi năm gia đình ông lãi khoảng 100 triệu đồng.

Ngoài nuôi thỏ, ông Quý còn trồng rau xanh và đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi heo, bò. Dù quy mô chăn nuôi không lớn, chỉ với 1 heo nái và từ 3 - 11 con bò mỗi năm nhưng cũng đã mang lại cho ông thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/năm, nâng tổng thu nhập của gia đình lên 180 - 200 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập không nhỏ ở địa phương, nhất là đối với những hộ ít đất sản xuất như gia đình ông Quý...

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với vai trò là Chi hội phó Chi hội Nông dân của thôn, ông Quý luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền, tập hợp hội viên nông dân tham gia các phong trào thi đua, hoạt động của Hội, phấn đấu xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vận động hội viên cùng nhau xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả. Ðặc biệt, ông luôn sâu sát, gần gũi với những hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, động viên họ tham gia các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi… Từ đó, đời sống của các hội viên nông dân trong thôn 7 được nâng lên đáng kể, hiện số hộ có điều kiện kinh tế khá, giàu trong thôn chiếm khoảng 70%.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.