Multimedia Đọc Báo in

Cần có cơ chế thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản phát triển

08:34, 02/03/2020

Công nghiệp chế biến (CNCB) nông sản và cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp đã và đang góp phần nâng cao sản lượng, giá trị cho nông sản. Tuy nhiên, hai lĩnh vực này hiện đang là điểm yếu của nền nông nghiệp nước ta, do đó cần có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển.

Một số kết quả bước đầu

Theo Bộ NN-PTNT, trong 10 năm trở lại đây, CGH nông nghiệp và CNCB nông sản của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Đến nay, đã hình thành hệ thống CNCB nông sản có công suất thiết kế khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm. Số lượng và chất lượng hệ thống CNCB, bảo quản nông sản ngày càng tăng, với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, hộ gia đình. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại, mang tầm của khu vực và thế giới như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra…

Sản phẩm chế biến nông sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 186 nước và vùng lãnh thổ; kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8 - 10%/năm, riêng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 41,3 tỷ USD; CNCB nông sản đã góp phần giải quyết việc làm trực tiếp cho khoảng 1,6 triệu lao động, với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Cơ giới hóa ở khâu thu hoạch lúa trên địa bàn xã Ea Kly (huyện Krông Pắc).
Cơ giới hóa ở khâu thu hoạch lúa trên địa bàn xã Ea Kly (huyện Krông Pắc).

Bên cạnh đó, CGH nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác. Hiện Việt Nam có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp, 1.218 cơ sở chuyên sửa chữa, bảo dưỡng, bảo hành máy móc, thiết bị... đáp ứng tốt cho CNCB và CGH.

Riêng đối với Đắk Lắk, CNCB nông sản và CGH nông nghiệp hiện phát triển khá mạnh. Tỉnh hiện có khoảng 400 cơ sở chế biến, trong đó 295 cơ sở chế biến cà phê (95 cơ sở chế biến cà phê nhân, 200 cơ sở chế biến cà phê bột). Hoạt động chế biến cà phê chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành nông, lâm nghiệp và dịch vụ của tỉnh phát triển. Tình hình chế biến của các nhà máy ổn định, sản lượng đạt khá cao, riêng năm 2019, cà phê nhân đạt 420.000 tấn, cà phê bột 29.000 tấn, xay xát gạo 2.650 tấn, đường 90.000 tấn, ca cao 860 tấn…

Trên địa bàn tỉnh cũng đang mở rộng áp dụng việc CGH trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, việc CGH trong khâu làm đất đạt trên 90%, vận chuyển đạt 93%, thu hoạch (gồm tuốt, đập, tách hạt... đạt trên 80%, tưới nước bằng các phương tiện cơ giới đạt trên 75%). Hiện Đắk Lắk có khoảng 300 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động trong ngành cơ khí, chế tạo. Các doanh nghiệp này đã tạo được một số sản phẩm thế mạnh như dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân; thiết bị xát khô, xát tươi, rang, xay cà phê; máy bơm nước… Điều này đã góp phần phục vụ tốt thâm canh, nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất cây trồng.

Vẫn chưa đủ mạnh

Tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển CNCB nông sản và CGH nông nghiệp ngày 21-2 vừa qua, Bộ NN-PTNT đã đánh giá, CNCB nông sản và CGH nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế như: công nghệ chế biến nông sản Việt Nam đã đạt mức độ trung bình của thế giới; nhiều cơ sở chế biến của nhiều ngành hàng có tuổi đời trên 15 năm (chiếm trên 70%) với thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu, năng suất thấp (chè, cao su, sắn); hệ số đổi mới thiết bị chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 - 1/3 mức tối thiểu của các nước khác); tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10 - 20%) do thiếu cơ sở vật chất bảo quản.

Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70 - 85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30% (thủy sản khoảng 30%, các loại nông sản khác khoảng 10 - 20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%). Bên cạnh đó, mức độ CGH trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp, chưa toàn diện, trình độ trang bị máy động lực còn lạc hậu, hầu hết các máy làm đất công suất nhỏ, chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản.

Bộ NN-PTNT phấn đấu đến năm 2030 đưa CNCB nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu, đồng thời có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp.

Tại địa bàn Đắk Lắk, theo đánh giá của Sở NN-PTNT thì hoạt động chế biến chủ yếu là chế biến cà phê. Tuy nhiên, đa phần các cơ sở chế biến cà phê hiện nay hoạt động với quy mô nhỏ, chế biến khô với trang thiết bị máy móc đơn giản; chỉ có một số doanh nghiệp lớn đầu tư máy móc quy mô và công suất lớn, hiện đại. Trong khi đó, CGH nông nghiệp tuy đạt khá cao, nhưng lại không đồng bộ, ở một số khâu như sấy nông sản, chăn nuôi đạt thấp…

Nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển chưa đồng bộ, diện tích sản xuất nông nghiệp nhỏ hẹp, địa hình không bằng phẳng gây khó khăn trong việc di chuyển nội đồng; thu nhập từ sản xuất nông nghiệp còn bấp bênh nên nông dân thiếu kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới hóa công suất lớn. Mặt khác, một số chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học công nghệ… chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh; nguồn lực để triển khai các chính sách đã ban hành còn hạn chế nên hiệu quả chính sách không cao.

Kho đông lạnh bảo quản sản phẩm trái cây chế biến ở Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar).
Kho đông lạnh bảo quản sản phẩm trái cây chế biến ở Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (huyện Ea Kar).

Chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ NN-PTNT khẩn trương hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển CGH và CNCB nông sản đến năm 2030; trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách đẩy mạnh CGH trong nông nghiệp. UBND các tỉnh, thành phố bên cạnh việc thực hiện những cơ chế, chính sách của Trung ương cần phải chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển CNCB, bảo quản nông sản và CGH sản xuất nông nghiệp trên địa bàn một cách thực chất và hiệu quả.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.