Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông nỗ lực trong công tác giảm nghèo

08:31, 02/03/2020

Là huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn của tỉnh, những năm qua nhờ nỗ lực trong công tác giảm nghèo cùng với sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, diện mạo huyện Krông Bông đã có nhiều khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Huyện Krông Bông có 14 xã, thị trấn, trong đó có đến 7 xã thuộc khu vực III. Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đầu năm 2019, toàn huyện có 7.109 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,66%; 4.861 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 22,34%. Trong đó, còn đến 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40%, gồm: Yang Reh, Dang Kang, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long cho biết, với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, của các cơ quan, ban, ngành và sự nỗ lực thoát nghèo của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã đạt những kết quả tích cực. Trong những năm qua, các chương trình, dự án về xóa đói giảm nghèo và đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được huyện triển khai đồng bộ, lồng ghép với các chương trình, dự án khác đang triển khai ở địa phương.

Chị Trần Thị Trung (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chị Trần Thị Trung (thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền) thoát nghèo nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Căn cứ vào số liệu điều tra từng năm trước, ngay đầu năm, UBND huyện giao chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể cho các xã, thị trấn; chỉ đạo các địa phương phân công cán bộ phụ trách từng thôn, xóm, nhóm hộ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và kịp thời hỗ trợ, cũng như thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Đặc biệt, huyện tập trung triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương, ưu tiên cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, xã đăng ký xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khai thác hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động vay vốn phát triển sản xuất.

Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương phối hợp với các hội, đoàn thể tập trung hướng dẫn người nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, từng loại đất canh tác và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hộ nghèo; xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm giúp hộ nghèo ứng dụng vào thực tế có hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ trực tiếp cho những hộ nghèo gặp rủi ro, thiên tai, chú trọng ưu tiên đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hộ nghèo có lao động…

 
"Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hằng năm của huyện vẫn còn cao, nhất là khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, công tác truyên truyền, phổ biến về giảm nghèo ở một số địa phương chưa sâu rộng, quyết liệt và kịp thời nên một bộ phận nhân dân vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo, tạo nên sức ỳ lớn trong công cuộc giảm nghèo của huyện…".
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long

Hòa Sơn là một trong những xã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo của huyện Krông Bông. Ông Nguyễn Đình Sâm, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, là xã thuần nông nên nông nghiệp là kinh tế chủ đạo, vì vậy địa phương chú trọng tới việc phối hợp với ngành chuyên môn để chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cho năng suất, sản lượng cao. Cùng với đó, chăn nuôi đại gia súc là thế mạnh của xã với tổng đàn gần 10.000 con.

Để hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cán bộ xã thường xuyên thăm, nắm tình hình, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các mô hình mang lại hiệu quả như mô hình nuôi bò nhốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy định, kịp thời xử lý dịch bệnh… Ngoài ra, người dân nhiều thôn trên địa bàn xã đã chủ động lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển.

Tiêu biểu như ở thôn 10, thôn 7, thôn Thanh Sơn…nhiều hộ dân đã trồng giống cây vải U Hồng mang lại thu nhập cao; hiện toàn xã có trên 10 ha vải. Như hộ ông Bùi Trọng Quốc (thôn 10), với 400 gốc vải đã trồng thì 200 gốc được 10 năm tuổi với năng suất 1 tạ/cây, 200 gốc còn lại được 5 năm tuổi cho thu hoạch 50 kg/cây. Trung bình mỗi năm thu được trên dưới 3 tấn quả, với giá bán 45.000 - 50.000 đồng/kg, gia đình ông thu về gần 150 triệu đồng. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 35,5 triệu đồng/người/năm. Toàn xã chỉ còn 254 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 11,01%. 

Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình anh Nguyễn Minh Cương (thôn 8, xã Hòa Sơn).
Mô hình nuôi bò nhốt của gia đình anh Nguyễn Minh Cương (thôn 8, xã Hòa Sơn).

Với nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, trong những năm qua, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của huyện Krông Bông giảm khá nhanh; riêng năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 4,27%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,47%, vượt Nghị quyết HĐND huyện đề ra (giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 3,5%). Nhờ đó, diện mạo của các làng quê, nhất là các vùng khó khăn trên địa bàn huyện có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng cao và cải thiện rõ rệt.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.