Multimedia Đọc Báo in

Làm giàu ở vùng biên

06:28, 08/03/2020

Từ năm 2002 - 2006, xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) đã tiếp nhận 580 hộ dân ở tỉnh Bến Tre đến định cư theo Dự án Kinh tế - Quốc phòng.

Với khát vọng "đổi đời" nơi vùng quê mới, không ít lão nông "xứ Dừa" đã biến mảnh đất khô cằn, hoang sơ nơi vùng biên giới thành những vườn cây trái sum sê trĩu quả quanh năm.

Năm 2002, ông Cao Hoài Trung đưa gia đình đến thôn 7, xã Ia R’vê lập nghiệp với 1.000 m2 đất ở, đất vườn và 1 ha đất sản xuất được Nhà nước cấp theo chương trình phát triển vùng kinh tế mới. “Lúc ấy, hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn có 500 nghìn đồng, nên chỉ có thể đầu tư trồng một số loại hoa màu ngắn ngày trên diện tích đất canh tác được cấp. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nên hoa màu thu chẳng được bao nhiêu", ông Trung nhớ lại.

Ông Cao Hoài Trung ở thôn 7 xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) chăm sóc vườn xoài.
Ông Cao Hoài Trung ở thôn 7 xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) chăm sóc vườn xoài.

Để cải thiện kinh tế của gia đình, năm 2005 ông Trung bàn bạc với vợ chuyển đổi toàn bộ diện tích đất nông nghiệp sang trồng mít nghệ lá bàng. Sau 3 năm, cây mít cho thu hoạch, nhưng do trái mít nghệ lá bàng nhiều mủ và nhão nên thị trường không ưa chuộng. Năm 2012, đang loay hoay chưa biết nên chuyển đổi sang trồng loại cây gì phù hợp, thì vợ chồng ông Trung phát hiện cây xoài cát Đài Loan được mang từ tỉnh Bến Tre lên trồng trước nhà ra trái sum sê, nên quyết định "liều" phá bỏ cây mít để trồng xoài. Ông Trung cải tạo 1 ha đất, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và gom hạt xoài cát Đài Loan ươm giống trồng.

Trong quá trình chăm sóc, ông Trung mày mò nghiên cứu, thử nghiệm và đã thành công với phương pháp xử lý kỹ thuật cho xoài trái vụ. "Xoài cát Đài Loan dễ trồng, dễ chăm sóc, những năm đầu chỉ cho thu hoạch từ 1-2 tấn/năm, nhưng năng suất sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo, đến năm thứ ba có thể ép cây ra trái vụ. Từ năm thứ ba trở đi, trung bình 1 ha xoài cát Đài Loan thu hoạch 10 tấn/năm. Xoài cát Đài Loan trái to, màu sắc đẹp, vị thanh nên thị trường rất ưa chuộng". ông Trung cho biết.

Vợ ông Nguyễn Văn Huệ ở thôn 7 xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) chăm sóc vườn mít Thái da xanh siêu sớm.
Vợ ông Nguyễn Văn Huệ ở thôn 7 xã Ia R'vê (huyện Ea Súp) chăm sóc vườn mít Thái da xanh siêu sớm.
 

"Xã Ia R’vê hiện có hơn 154 ha cây ăn trái các loại như: xoài, mít, bưởi, cam, quýt…. Kinh tế của các gia đình nơi đây dần ổn định nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp. Cũng như gia đình tôi, bà con ở đây không ồ ạt chuyển đổi cây trồng mà luôn thận trọng gắn với thị trường, gắn với ứng dụng công nghệ vào trồng trọt”.

 

 
Ông Cao Hoài Trung, thôn 7, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp

Tương tự, năm 2002 gia đình ông Nguyễn Văn Huệ chuyển từ huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre) đến định cư tại xã vùng biên Ia R’vê. Ông Huệ cũng đã thử trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày, rồi chuyển sang trồng vườn tạp, nhưng do đất đai cằn cỗi, hạn hán, ngập lụt thường xuyên nên kinh tế của gia đình khá bấp bênh. Năm 2012, trong một lần về thăm quê hương xứ dừa Bến Tre, ông Huệ thấy người dân trồng mít Thái da xanh siêu sớm cho hiệu quả kinh tế cao, thích nghi với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ông quyết định đầu tư gần 50 triệu đồng mua 2.000 gốc mít Thái da xanh siêu sớm trồng thử nghiệm trong vườn của gia đình.

Đến khi cây mít cho thu hoạch, ông Huệ lại loay hoay tìm kiếm nơi tiêu thụ, ngoài bán cho những tiểu thương trong vùng, gia đình ông thay phiên nhau chở mít ra thị trấn Ea Súp bán với giá 5.000 đồng/kg. Năm 2017, ông Huệ mở cửa hàng kinh doanh online, nhờ vậy đã kết nối được với các thương lái thu mua trái cây ở miền Tây. “Giờ khỏe lắm, tôi chỉ chăm sóc để cây mít ra trái, đến khi thu hoạch thì điện thoại cho lái buôn. Họ đưa xe tải vào tận vườn thu mua, giá cả cũng không sợ bị ép, bởi vào 7 giờ hằng ngày giá cả từng loại trái cây đã được niêm yết trên website của các vựa trái cây”, ông Huệ phấn khởi cho hay. Từ năm 2017 đến nay, vườn mít của ông Huệ thu hoạch trung bình từ 20 - 30 tấn/ha/vụ, sau khi trừ công chăm sóc, phân bón… gia đình ông thu lãi khoảng 600 triệu đồng/vụ. Với thu nhập khá ổn định từ trồng cây ăn trái, gia đình ông Huệ đã xây mới căn nhà khang trang trị giá hơn 400 triệu đồng; mua 2 xe cày đất và 3 ha đất sản xuất. Không chỉ vậy ông Huệ còn nhiệt tình chia sẻ “bí quyết” làm giàu cho nhiều người dân xã Ia R’vê. 

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.