Multimedia Đọc Báo in

Làm sao khai thác giá trị cà phê đặc sản?

09:13, 04/03/2020

Cà phê đặc sản không còn mới đối với Việt Nam, nhưng đến nay việc khai thác giá trị cà phê đặc sản vẫn còn khá mờ nhạt.

Cần nhìn nhận đúng

Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về cà phê đặc sản, nhưng khái niệm được nhiều người dùng nhất đó là sản phẩm cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng và đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn, quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện chất lượng cà phê thế giới (CQI). Với phẩm cấp chất lượng tự nhiên và đa dạng, cà phê đặc sản nhanh chóng chiếm được cảm tình của những người sành cà phê và tất yếu thị trường này trở thành “miếng bánh” khó nhằn, nhưng nhà sản xuất nào cũng mong muốn có được.

Người làm cà phê tham gia lớp học chế biến cà phê đặc sản vào đầu năm 2020 tại thị xã Buôn Hồ.
Người làm cà phê tham gia lớp học chế biến cà phê đặc sản vào đầu năm 2020 tại thị xã Buôn Hồ.

Hội nhập với ngành cà phê toàn cầu, những năm gần đây phong trào cà phê đặc sản phát triển mạnh mẽ đã từng bước thay đổi cách thức sản xuất của người trồng cà phê Việt Nam. Với mong muốn tạo sân chơi cho người sản xuất cà phê cả nước, năm 2019 Đắk Lắk tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản. Theo đánh giá của các chuyên gia, sở dĩ có đến 25 mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản vì hầu hết cà phê đã được nông dân lựa chọn kỹ từng trái từ vườn và chế biến công phu đúng kỹ thuật. Điều kiện khí hậu thuận lợi, nhân công rẻ và đặc biệt bản thân người nông dân muốn gắn bó lâu dài với cây cà phê là những thuận lợi lớn trong sản xuất cà phê đặc sản. Tuy nhiên hiện nay việc khai thác cà phê đặc sản ở mức độ nào và tại sao phải làm cà phê đặc sản vẫn đang là điều khá mờ nhạt bởi cà phê đặc sản vẫn đang phát triển “âm thầm” chứ chưa có sự quan tâm nhất định.

Theo Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), giá cà phê Arabica đặc sản niên vụ 2016-2017, 2017-2018 của 5.000 hợp đồng đạt bình quân 7 USD/kg; mức thấp nhất là 3,5 USD; cao nhất là 20 USD/kg.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho hay, cà phê đặc sản là thị trường có thật và đang tác động mạnh đến ngành cà phê toàn cầu trong đó có Việt Nam. Muốn biết giá trị của cà phê đặc sản thì phải tìm hiểu từ vườn đến khi thành sản phẩm thành phẩm đến người tiêu dùng chứ không đơn giản là hương vị khác biệt và hiếm với khối lượng chỉ chiếm 2% sản lượng. Thế giới có những phân khúc rõ ràng cho cà phê đặc sản và những lô cà phê có điểm cao, vượt càng xa mốc 80 điểm thì giá càng cao. Việc tổ chức các cuộc thi về cà phê là "cú hích" để phát triển cà phê đặc sản xét trên nhiều khía cạnh, từ nâng cao chất lượng đến giá trị, cải thiện môi trường…

Có chiến lược dài hơi

Theo quy luật thị trường, giá cả, giá trị, xu thế tiêu dùng đều do người tiêu dùng quyết định. Hiện tại tiêu dùng cà phê đặc sản ở thị trường nội địa ngày càng tăng đang là cơ hội kết nối chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ cà phê gần nhất, ngắn nhất và hiệu quả nhất để nâng cao giá trị ngành hàng.

Theo các chuyên gia trong ngành, phát triển thị trường cà phê đặc sản trong nước buộc phải có những định hướng nhất định mang tầm vĩ mô để người dân, doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản xuất. Trước hết là diện tích cà phê phải giảm theo hướng chỉ trồng cà phê ở những vùng thích hợp, có tiềm năng phát triển cà phê đặc sản mà minh chứng là khu vực phía Bắc tỉnh Đắk Lắk hiện đang được đánh giá cao. Điều này phù hợp với thực tế vì diện tích cà phê những năm gần đây giảm do già cỗi, người dân chuyển hướng sản xuất và việc giảm diện tích cà phê đã được nhắc đến trong Đề án phát triển cà phê của tỉnh. Cây cà phê càng trồng ở vùng đất cao tiềm năng “phẩm chất tốt” sẵn có càng cao.

Chuyên gia quốc tế thử nếm cà phê đặc sản tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020.
Chuyên gia quốc tế thử nếm cà phê đặc sản tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2020.

Trên thực tế, Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã có những lô cà phê Robusta được các chuyên gia cà phê quốc tế chấm 84,67 điểm theo thang điểm cà phê đặc sản thế giới, nhưng đa phần các lô cà phê Robusta đều nằm quanh mức 80 điểm. Do đó trong chiến lược phát triển cà phê, ngành hàng cần có sự quan tâm đến việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bởi để chế biến một sản phẩm cà phê đặc sản đòi hỏi công phu từ quá trình chăm sóc, lựa chọn phương pháp chế biến, bảo quản đi kèm với cách tiêu dùng, pha chế. Mỗi sự thay đổi trong chuỗi mô hình sẽ tạo ra sản phẩm cà phê khác biệt và đem đến khối lượng lớn công ăn việc làm cho người dân với mức thù lao xứng đáng.

Chẳng hạn niên vụ cà phê 2018-2019, trong số 25 lô cà phê đạt chứng nhận Cà phê đặc sản tại Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam 2019 đã có những lô hàng bán trên 100.000 đồng/kg, thậm chí lên đến 140.000 đồng/kg.

So với mức giá bình quân niên vụ 2018-2019 thì giá cà phê đặc sản cao gấp 2 đến 4 lần. Có người cho rằng, mức giá này chưa đủ chi phí đầu tư sản xuất cà phê đặc sản bởi tính rủi ro cao, nhưng họ vẫn mong muốn sản xuất cà phê đặc sản trong tương lai vì những lý do tốt đẹp mà cà phê mang lại, từ quảng bá thương hiệu, bảo vệ đất đai đến gây dựng niềm tin của người sản xuất, tiêu dùng sản phẩm họ làm ra.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.