Multimedia Đọc Báo in

Bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024: Một số khu vực tăng cao, đột biến

08:28, 26/05/2020

Kỳ họp bất thường HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa thông qua Nghị quyết về Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh giai đoạn 2020 - 2024.

Nhìn chung, ở tất cả vị trí và các loại đất hầu hết đều tăng so với bảng giá đất cũ từ 20% trở lên. Trong đó, giá đất ở phổ biến với mức tăng bình quân từ 31 - 90%; giá của các loại đất nông nghiệp tăng từ 21-84%.

Cụ thể: đối với đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên, giá đất cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột là 126.000 đồng/m2, thấp nhất là tại huyện Ea Súp và Ea Kar 15.000 đồng/m2. Đất trồng cây hằng năm khác, giá cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (126.000 đồng/m2), thấp nhất tại huyện Ea Kar và M’Đrắk (12.000 đồng/m2). Đất trồng cây lâu năm, giá cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (162.0000 đồng/m2), thấp nhất tại huyện Ea Súp (14.000 đồng/m2). Đất trồng rừng sản xuất, giá cao nhất tại TP. Buôn Ma Thuột (50.000 đồng/m2), thấp nhất tại huyện M’Đrắk (6.000 đồng/m2). Đất nuôi trồng thủy sản, giá cao nhất là TP. Buôn Ma Thuột (60.000 đồng/m2), thấp nhất là huyện Ea Súp (9.000 đồng/m2).

Mặc dù tăng mạnh nhưng khung giá đất không cao hơn giá đã được áp dụng để giải phóng mặt bằng, giá giao đất, cho thuê đất theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.  Trong ảnh: Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút các nhà đầu tư thuê đất.  Ảnh: Minh Thông
Mặc dù tăng mạnh nhưng khung giá đất không cao hơn giá đã được áp dụng để giải phóng mặt bằng, giá giao đất, cho thuê đất theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Trong ảnh: Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút các nhà đầu tư thuê đất. Ảnh: Minh Thông

Đất ở tại nông thôn, giá cao nhất là TP. Buôn Ma Thuột, huyện Cư M’gar và huyện Krông Pắc (7.500.000 đồng/m2), thấp nhất tại huyện M’Đrắk (60.000 đồng/m2). Đất ở tại đô thị, giá cao nhất là TP. Buôn Ma Thuột (57.600.000 đồng/m2), thấp nhất tại huyện Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông, Cư M’gar và huyện Lắk (200.000 đồng/m2).

Đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn và đô thị được tính bằng 80% giá đất ở liền kề. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn và đô thị được tính bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất trồng lúa nước 1 vụ được tính bằng 70% so với giá đất trồng lúa nước 2 vụ trở lên, tương ứng với từng vị trí đất.

Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) được xây dựng đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư.

Đánh giá về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của tỉnh là phù hợp với xu hướng tăng chung của toàn quốc. Những khu vực tăng cao, đột biến là khu vực đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, khu dân cư tập trung, khu thương mại hiện có; những khu vực phát triển trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm, thu hút đầu tư của tỉnh như: các khu du lịch, dịch vụ, trung tâm thương mại, khu dân cư, khu đô thị mới đã và đang đầu tư xây dựng. Mặc dù tăng mạnh nhưng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 không cao hơn giá đất đã được áp dụng để giải phóng mặt bằng, giá giao đất, cho thuê đất đang áp dụng theo các quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Mặt khác, tại một số vị trí, khu vực tuy đã áp dụng tăng tối đa 20% so với khung giá đất của Chính phủ áp dụng cho vùng Tây Nguyên theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 96/2019/NĐ-CP nhưng vẫn thấp hơn giá đất thực tế đã chuyển nhượng trên thị trường.

 
“Nghị quyết vừa thông qua về Bảng giá đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, phương pháp, đảm bảo hài hòa giữa người dân và Nhà nước, làm minh bạch hơn việc quản lý đất đai. Những mặt này về tổng thể không ảnh hưởng gì đến phát triển kinh tế - xã hội mà còn tạo điều kiện minh bạch về môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai của tổ chức, cá nhân sử dụng đất…”.
 
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê

Ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk cho hay: “Chúng tôi xem xét, rà soát lại thì các vùng giáp ranh của huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrắk - là những vùng cận kề nhau có liên quan đến dự án Krông Pắc Thượng nhưng giá chênh lệch thì khá nhiều. Do vậy khi áp dụng bảng giá đất mới cần quan tâm đến thời điểm cũng như tính toán cụ thể hệ số giá đất ở từng khu vực, nhất là ở các vùng giáp ranh tránh sự chênh lệch khi có dự án chờ đền bù giải tỏa”.

Còn theo Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Những, từ khi ban hành bảng giá đất trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh giai đoạn 2015 – 2019 theo Nghị quyết 136/2014/NQ-HĐND ngày 13-12-2014 của HĐND tỉnh, UBND tỉnh chưa có sự điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh theo hệ số điều chỉnh giá đất. Vì vậy, giá các loại đất trên địa bàn tỉnh thấp hơn nhiều so với thực tế, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai, gây thất thoát ngân sách tỉnh. Trong thời gian tới, UBND tỉnh cần cập nhật diễn biến thị trường hằng năm để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất trên địa bàn tỉnh với mức tăng hợp lý và phù hợp với tình hình thực tế trên thị trường.

Đánh giá về tác động của Bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng về tổng thể sẽ tác động tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, việc thực hiện chính sách tài chính về đất đai và thu nhập, đời sống của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức sử dụng đất; tuy nhiên có thể sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận nhỏ người dân khi làm thủ tục hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở vì sẽ phải nộp tiền sử dụng đất theo giá mới, cao hơn so với giá đất tại Bảng giá giai đoạn trước.

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.