Multimedia Đọc Báo in

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi

13:55, 12/05/2020

Nhờ được tiếp cận kịp thời và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cư M’gar có điều kiện đầu tư, mở rộng sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Gia đình chị H’Nhật Êban (buôn Sút M’đưng, xã Cư Suê) là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar. Trước đây, gia đình chị rất khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 4 sào cà phê đã già cỗi nhưng lại không có vốn đầu tư, cải tạo. 

Đàn dê  của gia đình bà Nguyễn  Thị Thơm (thôn 4,  xã Cư Suê)  có được nhờ nguồn vốn vay của  Ngân hàng Chính sách  xã hội huyện.
Đàn dê của gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 4, xã Cư Suê) có được nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Năm 2017, thông qua Hội Nông dân xã, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để tái canh vườn cà phê. Sau 2 năm chăm sóc, vườn cà phê đã cho thu hoạch lứa đầu với hơn 4 tạ cà phê nhân. Số tiền lãi thu được, chị H’Nhật mua giống bơ, sầu riêng trồng xen trong vườn. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, năm 2019 gia đình chị đã chính thức thoát nghèo.

Chị H’Nhật tâm sự: “Nhờ được vay vốn làm ăn mà gia đình tôi mới được như bây giờ. Vụ mùa năm nay, vườn cà phê đậu quả nhiều, ước tính thu được khoảng 1 tấn nhân. Dự kiến tôi sẽ có đủ tiền để trả nợ vốn vay đúng thời hạn và có vốn mua sắm thêm máy móc, vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất”.

 

Cũng nhờ nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mà gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (thôn 4, xã Cư Suê) đã xây dựng được nhà cửa khang trang và nuôi dạy 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Từng thuộc diện hộ cận nghèo, năm 2016, gia đình bà được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Với số tiền được vay là 10 triệu đồng, bà đã mua 4 con dê giống về nuôi. Sau hơn một năm, nhờ tích góp tiết kiệm gia đình bà đã trả được nợ gốc cho ngân hàng. Sau đợt hoàn vốn này, bà tiếp tục được cho vay thêm 30 triệu đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, bà đã gây dựng được đàn dê hơn 30 con (có thời điểm lên đến 60 con), đem lại nguồn thu nhập ổn định gần 100 triệu đồng/năm.

Chị H’Nhật trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh của gia đình.
Chị H’Nhật trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê tái canh của gia đình.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar Võ Ngọc Hãn cho biết, trong quý I-2020, đơn vị đã giải quyết cho  655 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền gần 23 tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay tập trung chủ yếu ở các chương trình: cho vay hộ nghèo (3,3 tỷ đồng), hộ cận nghèo (9,2 tỷ đồng), hộ mới thoát nghèo (2,6 tỷ đồng); cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (4 tỷ đồng); cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn (3,5 tỷ đồng). Hầu hết các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, hiệu quả cũng như chủ động trả tiền lãi, tiền gốc đúng thời hạn. Được hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế, qua đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.