Multimedia Đọc Báo in

Kích cầu du lịch - cần sự phối hợp từ nhiều phía

08:24, 16/06/2020

Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành du lịch tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng cho ngành du lịch tỉnh trong năm 2020, nhất là 6 tháng cuối năm.

Phát huy nội lực

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngay từ những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch của địa phương, lượng khách và doanh thu giảm sút, hoạt động của các doanh nghiệp du lịch gần như đóng băng. Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước đã cơ bản được khống chế, khi ngành du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, tỉnh Đắk Lắk cũng chung tay, gọi mời mọi người đến với mảnh đất tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa này.

Du khách tìm hiểu sản phẩm lưu niệm của Đắk Lắk.
Du khách tìm hiểu sản phẩm lưu niệm của Đắk Lắk.

Đắk Lắk có tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác kỳ vĩ như Dray Nur (huyện Krông Ana), Thủy Tiên (huyện Krông Năng)… cùng nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), hồ Lắk (huyện Lắk) hay các khu rừng nguyên sinh có hệ sinh học đa dạng như: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar… Bên cạnh đó, du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng cũng là một điểm mạnh, bởi nơi đây có cộng đồng 47 dân tộc anh em cùng chung sống, với nền văn hóa đặc sắc, có nhiều lễ hội hấp dẫn… Không chỉ vậy, cơ sở vật chất đủ phục vụ khoảng hơn 9.000 lượt khách lưu trú cùng một thời điểm với 212 cơ sở lưu trú du lịch, 82 khách sạn…

Ngoài việc tận dụng, phát huy nội lực sẵn có, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức kiểm tra xác nhận cơ sở lưu trú đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh để giảm tiền điện; giúp các đơn vị kinh doanh du lịch việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, mới đây nhất là phối hợp mở lớp cập nhật kiến thức và kỹ năng hoạt náo cho hướng dẫn viên du lịch; tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét giảm phí tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh theo đề nghị của Hiệp hội Du lịch tỉnh.

Chung sức kích cầu

Theo nhìn nhận của nhiều nhà chuyên môn, thời điểm này sắp bắt đầu vào mùa mưa bão, nếu không tích cực hành động và có những biện pháp kích cầu cụ thể thì e rằng ngành du lịch tỉnh sẽ khó phục hồi. Vì vậy, từ những nội lực có sẵn các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá, giới thiệu các loại hình tham quan, trải nghiệm với du lịch văn hóa, sinh thái núi rừng, tìm hiểu nghệ thuật ẩm thực dân tộc vùng miền, nhất là với các địa bàn có nhiều tiềm năng về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, cần phải chung sức, liên kết để vực dậy ngành du lịch.

Du khách tham quan, nghe thuyết minh trong Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Du khách tham quan, nghe thuyết minh trong Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Một tín hiệu vui đối với ngành du lịch là trong chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” nhằm từng bước khôi phục hoạt động du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đã có 29 doanh nghiệp tham gia gói kích cầu du lịch với các nội dung như giảm giá phòng lưu trú, vé vào cổng, dịch vụ nhà hàng, mua sắm, dịch vụ vận chuyển và các công ty lữ hành với mức giảm từ 5 - 30%, có đơn vị giảm đến 50%. Đơn cử như Khu Du lịch sinh thái - văn hóa cộng đồng Ko Tam giảm 50% giá vé vào cổng cho các công ty lữ hành, hoặc tặng cà phê cho cá nhân mua vé; cơ sở du lịch sinh thái Troh Bư giảm 50% giá vé và 10% giá dịch vụ nhà hàng… Ông Đặng Xuân Vũ (Công ty TNHH Du lịch DakViet) chia sẻ, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ cam kết giảm giá nhưng không giảm chất lượng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị. Một số đường bay từ TP. Buôn Ma Thuột đi các tỉnh Thanh Hóa, Cần Thơ… đã được mở, tạo điều kiện để khách du lịch đến với Đắk Lắk nhiều hơn.

 

“Thông qua việc triển khai chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh… cần có sự chủ động hơn trong việc tái khởi động để tạo sức bật mạnh mẽ sau ảnh hưởng dịch Covid-19; đặc biệt cần xây dựng chủ đề riêng biệt tương ứng với các thời điểm trong năm 2020”.

 

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh

Bà Lê Thị Chung (Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh) cho biết: “Để phát huy hiệu quả các chính sách của tỉnh kết hợp với những chương trình của doanh nghiệp cần có các giải pháp lâu dài và thiết thực. Trong đợt kích cầu du lịch lần này chúng tôi đưa ra những sản phẩm cụ thể, tiêu biểu có tính đặc trưng để thu hút khách”. Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động của Liên minh Kích cầu du lịch Đắk Lắk sẽ kết nối nhiều hơn nữa các đơn vị du lịch tham gia; đưa ra các gói giảm giá mới, góp phần mang lại hiệu ứng tích cực; nghiên cứu để phát triển thêm tour, tuyến đến các điểm du lịch ở Cần Thơ hay các tỉnh tiệm cận với Đắk Lắk như Khánh Hòa, Ninh Thuận để tăng thêm trải nghiệm mới cho du khách. Mặt khác, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với hiệp hội du lịch ở các tỉnh khác để liên kết, tạo chuỗi kích cầu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá ở các địa phương này.

Ngành du lịch Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu 6 tháng cuối năm 2020 sẽ đón 468.682 lượt khách; tổng doanh thu 422 tỷ đồng; công suất sử dụng buồng, phòng đạt trên 50%.... Muốn đạt được kết quả như vậy thì phải có sự chung tay từ nhiều phía để mang đến cho du khách những dịch vụ chất lượng, điểm đến an toàn, từ đó, tạo sức bật cho ngành du lịch hồi phục và phát triển.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.