Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Cư M'gar đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất

10:33, 15/06/2020

Những năm gần đây, cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân huyện Cư M’gar đã tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích canh tác.

Xã Ea M’droh là một trong những địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong khâu sản xuất và thu hoạch lúa… Nhiều năm nay, vào mùa thu hoạch lúa, trên cánh đồng ở các thôn Đại Thành, Đồng Giao, buôn Cuôr và buôn Ea M’droh… không còn cảnh đông đúc người ra đồng thu hoạch lúa nữa, thay vào đó là những chiếc máy gặt đập liên hợp hoạt động ầm ì. Hiện nay, khoảng 90% diện tích lúa ở Ea M’droh được bà con thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.

Nông dân xã Quảng Hiệp sử dụng điện thoại để điều khiển việc tưới nước cho vườn cây.
Nông dân xã Quảng Hiệp sử dụng điện thoại để điều khiển việc tưới nước cho vườn cây.

Đưa máy móc vào thu hoạch vừa giải quyết tình trạng thiếu nhân công lao động, vừa tiết kiệm được chi phí, thời gian gặt cũng nhanh hơn, chỉ cần hai người vận hành máy: một người điều khiển, một người ngồi hứng thóc chảy vào bao. Sau khoảng 20 phút máy đã gặt hết 1 sào lúa, chi phí thuê máy gặt chỉ khoảng 250.000 đồng/sào, thấp hơn rất nhiều so với thu hoạch thủ công… Ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea M’droh cho biết: “Từ năm 2013, xã đã có hai máy gặt đập liên hợp tuốt lúa. Hiện nay chỉ trừ những diện tích nhỏ lẻ, manh mún, còn lại những diện tích lúa tập trung đều sử dụng máy gặt đập liên hoàn. Gặt lúa bằng máy nhanh, rút gọn được thời gian, giảm được chi phí ngày công…”.

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Ea M'droh.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở xã Ea M'droh.
 
“Trên địa bàn huyện Cư M'gar, tỷ lệ cơ giới hóa ở khâu làm đất đạt gần 100%; khoảng 30% diện tích lúa đã được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp; 100% diện tích cây công nghiệp đều được tưới nước bằng máy; khoảng 80% diện tích cây ăn quả sử dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 40% diện tích ngô đã cơ giới hóa trong khâu thu hoạch và chế biến... Việc cơ giới hóa đã tăng hiệu quả sản xuất lên từ 20 - 30%".
 
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar

Không chỉ xã Ea M’droh, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, hầu hết các khâu nặng nhọc, tốn nhiều công lao động trong sản xuất nông nghiệp đã được nông dân sử dụng cơ giới như: làm đất, thu hoạch, bón phân, tưới nước… Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng nuôi khép kín; sử dụng hệ thống máng ăn tự động, sử dụng máy thái, máy nghiền thức ăn... Qua đó, đã góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại. Đến nay, toàn huyện đã có 26 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có 14 trại lạnh.

Để có được những kết quả này, những năm qua huyện Cư M’gar đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, như: đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng; khuyến khích các hộ dân, hợp tác xã mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất; tạo điều kiện cho các công ty sản xuất, cung cấp thiết bị tổ chức giới thiệu sản phẩm, giúp nông dân được tiếp cận những máy móc, thiết bị tốt… Nhờ đó, số lượng máy và tỷ lệ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện không ngừng tăng.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.