Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập khá từ nuôi heo rừng lai

07:54, 03/06/2020

Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, đầu năm 2019 chị Hoàng Thị Hóa ở thôn Hiệp Đoàn, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) bàn bạc với chồng đầu tư nuôi thử nghiệm heo rừng lai theo hướng bán thả rông để phù hợp với tập tính chạy nhảy, kiếm ăn gần giống như heo rừng tự nhiên.

Ban đầu, chị Hóa chỉ nuôi 1 con heo rừng được thuần chủng và 4 con heo nái địa phương. Chị cũng là một trong những hộ đầu tiên ở địa phương đưa heo rừng lai vào nuôi. Vừa nuôi vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, dần dần chị đã khắc phục những hạn chế trong chăn nuôi, đàn heo của gia đình chị lớn nhanh, sinh sản tốt… Cuối năm 2019, chị Hóa đã có sản phẩm heo rừng lai sọc dưa bán cho bà con trong thôn, trong xã. Chỉ riêng đợt Tết Nguyên đán 2020, chị đã xuất bán ra thị trường 30 con heo thương phẩm (bình quân mỗi con có trọng lượng từ 20 - 30 kg), với giá bán trên thị trường 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc, gia đình chị lãi hơn 60 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Hóa (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo rừng lai.
Chị Hoàng Thị Hóa (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm nuôi heo rừng lai.

Thấy nuôi heo rừng lai mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu năm nay chị Hóa đã mạnh dạn mở rộng diện tích chăn nuôi của gia đình lên 4.500 m2 và trồng 2.000 m2 cỏ voi, cung cấp thêm nguồn thức ăn giàu chất xơ cho vật nuôi. Hiện nay, tổng đàn heo của gia đình chị là 54 con lớn nhỏ, trong đó có 9 heo mẹ, còn lại là heo giống và heo con… Chị Hóa chia sẻ: “Trước đây, trên diện tích này gia đình tôi trồng hồ tiêu, hoa màu; tuy nhiên do hồ tiêu thường xuyên bị bệnh, chết nhiều, giá cả lại xuống thấp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Dù mới chuyển sang nuôi heo rừng lai được hơn 1 năm nhưng tôi thấy hiệu quả rất khả quan, thu nhập tăng gấp đôi so với trước”.

Chị Hóa chia sẻ, heo rừng lai có nguồn gốc bán hoang dã, dễ nuôi, công chăm sóc ít, có sức đề kháng cao và rất ít bị dịch bệnh nên hạn chế được rất nhiều rủi ro, tuy nhiên người chăn nuôi phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ chuồng trại… Thức ăn cho heo, ngoài cám công nghiệp còn có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên như: cỏ voi, các loại rau, củ, quả cũng như lượng thức ăn dư thừa trong gia đình… vừa giảm chi phí đầu tư vừa giúp thịt heo săn chắc, nhiều nạc, ít mỡ, thơm ngon. Heo rừng lai một năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa bình quân từ 7 - 9 con, sau khi nuôi khoảng 9 tháng thì có thể xuất bán ra thị trường...

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.