Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng phát triển cây ăn trái ở xã vùng sâu Cư Drăm

09:06, 11/06/2020

Khi giá hồ tiêu xuống thấp, lại bị dịch bệnh làm chết hơn 40 ha tiêu, người dân thôn 2, xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) đã chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, cam, mít, dứa... Một số hộ thì trồng vải thiều và đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Năm 2014, ông Ngô Văn Thắng đã đi tham quan học hỏi một số mô hình trồng vải thiều ở huyện Ea Kar. Ông đã mạnh dạn mua 30 cây vải thiều giống về trồng. Thấy cây vải hợp với chất đất ở địa phương, ít sâu bệnh nên mỗi năm ông lại trồng thêm mấy chục cây trên diện tích hồ tiêu bị chết trước đây. Đến nay, vườn của ông Thắng đã có hơn 100 cây vải thiều; trong đó, gần 40 cây đã cho thu chính, 20 cây cho thu bói năm đầu.

Ông Thắng ước tính, mỗi cây thu hoạch chính cho trên dưới 40 kg quả; với giá bán buôn từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình ông thu về hơn 30 triệu đồng. Ông Thắng chia sẻ: “Trồng vải ít tốn kém và cũng không vất vả như trồng tiêu, chủ yếu là tỉa cành, tưới nước, phun thuốc trừ sâu. Đầu tư phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học cho hơn 100 cây vải mỗi năm chỉ tốn khoảng dăm triệu đồng mà lại cho thu nhập ổn định”.

Vườn vải năm thứ ba của gia đình chị Phan Thị Tư được chuyển đổi từ đất trồng hồ tiêu.
Vườn vải năm thứ ba của gia đình chị Phan Thị Tư được chuyển đổi từ đất trồng hồ tiêu.

Cuối năm 2017, sau khi vườn hồ tiêu bị chết sạch do bệnh chết nhanh chết chậm, vợ chồng chị Phan Thị Tư quyết định nhổ trụ, cải tạo lại đất để chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi và các loại cây ăn trái như dứa, sầu riêng, mãng cầu, vải... Đặc biệt, do chất đất và khí hậu phù hợp, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên sau 3 năm, vườn vải thiều gồm 200 cây của gia đình chị Tư đã cho thu bói lứa đầu; bình quân mỗi cây thu được khoảng 10 kg quả. Vì vải trái to, ngọt, không bị sâu nên gia đình chị bán được 25.000 – 30.000 đồng/kg, giá bán lẻ khoảng 35.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu đáng kể. Chị Tư hy vọng: “Nếu thời tiết thuận lợi, năm sau sản lượng vải của gia đình sẽ tăng gấp 3 lần”.

Tương tự, sau khi vườn hồ tiêu bị “xóa sổ” hoàn toàn do dịch bệnh, ông Trần Thế Thành đã cải tạo toàn bộ vườn, kéo điện 3 pha và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm để trồng cây ăn trái. Sau hơn 2 năm, vườn cây ăn trái với nhiều loại như nhãn, sầu riêng, ổi, mãng cầu, đu đủ, dứa… đã lên sum suê. Đặc biệt, 120 cây vải thiều ông trồng gần 2 năm đã phát triển tốt và sẽ cho thu bói vào năm tới. Ông Thành cho biết: “Chất đất ở đây hợp với một số loại cây ăn quả nên gia đình mạnh dạn trồng một số loại cây như sầu riêng, nhãn, vải thiều để thay thế cây hồ tiêu. Thời tiết ở đây mấy năm năm tương đối thuận lợi nên các loại cây ăn quả của gia đình phát triển rất tốt, ít sâu bệnh. Một số loại cây đã cho thu hoạch như ổi, đu đủ, dứa…”.

Gần 1 ha cây ăn quả 2 năm tuổi của gia đình ông Trần Thế Thành (bên phải) với nhiều loại cây  như vải thiều, nhãn lồng, sầu riêng, mãng cầu.
Gần 1 ha cây ăn quả 2 năm tuổi của gia đình ông Trần Thế Thành (bên phải) với nhiều loại cây như vải thiều, nhãn lồng, sầu riêng, mãng cầu.

Việc hàng chục hộ dân ở thôn 2 (xã Cư Drăm) chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế song cũng chỉ là sự chuyển đổi mang tính tự phát. Thiết nghĩ, để việc chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, chính quyền địa phương cần xây dựng quy hoạch, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật...; đặc biệt là tư vấn, hướng dẫn bà con thành lập hợp tác xã, xây dựng mô hình trồng cây ăn quả an toàn và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.