Multimedia Đọc Báo in

Triển vọng từ mô hình sản xuất lúa gạo hữu cơ ở Đắk Nuê

08:19, 09/06/2020

Thời gian gần đây, nhiều người dân xã Đắk Nuê (huyện Lắk) đã chủ động thay đổi phương thức canh tác lúa truyền thống sang trồng lúa theo hướng hữu cơ. Hướng đi mới này đã tạo sản phẩm chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh Trần Văn Sơn (thôn Yên Thành 2) là nông hộ tiên phong trong việc chuyển đổi canh tác lúa theo hướng hữu cơ tại địa phương. Với diện tích 1,2 ha đất, vụ đông xuân 2019 – 2020, anh Sơn đã đưa giống lúa ST24 có giá trị kinh tế cao vào trồng. Anh đã tận dụng nguồn phân chuồng chăn nuôi và mua men vi sinh về tự ủ để bón trực tiếp cho lúa, giúp đất tơi xốp, cây phát triển xanh tốt. Nhờ đó, năng suất lúa đạt trung bình 7 tạ/sào, hạt gạo có độ bóng, dẻo, thơm. Gia đình anh bán cho người dân trong vùng với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg gạo. Sau vụ thu hoạch, anh lãi hơn 50 triệu đồng.

HTX Nông nghiệp Thành Tín cùng người dân thu hoạch lúa hữu cơ tại thôn Yên Thành 2 (xã Đắk Nuê).
HTX Nông nghiệp Thành Tín cùng người dân thu hoạch lúa hữu cơ tại thôn Yên Thành 2 (xã Đắk Nuê).

Anh Sơn chia sẻ, gia đình chủ yếu sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây lúa nên tiêu diệt được mầm bệnh trong đất, tạo độ màu mỡ cho đất, cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Cũng từ đó, anh đã hạn chế được việc sử dụng phân và thuốc hóa học trong quá trình chăm sóc. Sản xuất lúa hữu cơ tuy tốn nhiều công sức, nhưng tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể và lợi nhuận thu được cao gấp đôi so với cách trồng truyền thống.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đăng Tư (thôn Yên Thành 2) cũng có 1 ha đất trồng lúa hữu cơ. Vụ đông xuân vừa qua, anh gieo trồng giống lúa Đài Thơm và sử dụng hoàn toàn phân, thuốc sinh học trong quá trình chăm sóc. Gia đình anh đã tuân thủ đúng kỹ thuật, bón phân, phun thuốc đúng chu kỳ, giúp cây trồng giảm thiểu được sâu bệnh. Nhờ đó, năng suất lúa của gia đình anh đạt hơn 7 tạ/sào và được HTX Nông nghiệp Thành Tín trên địa bàn thu mua với giá 7.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh lãi 40 triệu đồng/vụ. Vụ hè thu năm nay, anh Tư đã đưa giống ST24 vào trồng thử nghiệm và tiếp tục sản xuất theo hướng hữu cơ.

Được biết, vụ đông xuân 2019 – 2020, Phòng NN–PTNT huyện Lắk đã hỗ trợ phân bón, thuốc sinh học, cung cấp giống lúa ST24 cho 4 ha lúa và mở lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc lúa hữu cơ, hướng dẫn cách ủ phân vi sinh…cho nông dân xã Đắk Nuê. Phòng cũng phối hợp với HTX Nông nghiệp Thành Tín để hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho người dân.

HTX Nông nghiệp Thành Tín cùng người dân thu hoạch lúa hữu cơ tại thôn Yên Thành 2 (xã Đắk Nuê)
HTX Nông nghiệp Thành Tín áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. 

Ông Trần Văn Mười, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Tín cho hay, hiện xã có 12 ha đất trồng lúa hữu cơ, trong đó có các giống Đài Thơm, ST24, ST25, Tròn Nhật. Diện tích lúa đều được trồng tập trung tại thôn Yên Thành 2. Lúa được trồng hữu cơ, không có chất bảo quản, nên HTX phối hợp với người dân trồng theo phương thức cuốn chiếu để đảm bảo chất lượng và luôn có sản phẩm gạo mới cung cấp ra thị trường. Các giống lúa ST24, ST25 được HTX thu mua mức giá từ 9.500 – 10.000 đồng/kg, còn các loại giống khác, HTX mua với mức giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg và sản phẩm được bán tại các cơ sở của hệ thống Siêu thị VinMart; hệ thống Thực dưỡng Khai Minh (TP. Hồ Chí Minh)… Hiện tại, HTX đang nỗ lực nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, hướng đến xây dựng sản phẩm gạo organic.

Ông Nguyễn Đình Giang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê cho biết, sản xuất lúa gạo hữu cơ là hướng đi mới của người dân, nhờ thuận lợi về đầu ra, lợi nhuận cao, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng nên người dân rất yên tâm sản xuất. 

Xã Đắk Nuê đang vận động người dân phối hợp với HTX Nông nghiệp Thành Tín mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ lên từ 30 – 50 ha, giúp người dân có nguồn thu ổn định từ cây lúa.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.