Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản

09:19, 06/07/2020

Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất...

Phường Khánh Xuân có hơn 1.600 ha đất nông nghiệp, chủ yếu trồng cà phê, rau củ và chăn nuôi gà, heo. Tuy nhiên, do người dân vẫn còn sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm chưa được bảo đảm và hiệu quả thấp.

Ông Nguyễn Xuân Thăng, Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân cho biết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, UBND phường đã triển khai thực hiện Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 27-4-2018, triển khai Chương trình 6a-CTr/TU ngày 1-6-2016 của Thành ủy Buôn Ma Thuột về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của phường Khánh Xuân giai đoạn 2016 - 2020.

Trang trại nuôi gà đẻ trứng khép kín của gia đình anh Phạm Văn Khánh  (tổ dân phố 12).
Trang trại nuôi gà đẻ trứng khép kín của gia đình anh Phạm Văn Khánh (tổ dân phố 12).

Theo đó, phường đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ như: tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học ứng dụng trong chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng và nhân rộng các mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, công nghệ cao; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm ra thị trường; vận động, tuyên truyền hội viên, nông dân đầu tư công nghệ, lựa chọn các loại cây, con giống có chất lượng để cải tạo, chuyển đổi sản xuất, chăn nuôi…

Phường Khánh Xuân được biết đến là vựa rau lớn của TP. Buôn Ma Thuột, với diện tích gieo trồng khoảng 170 ha/năm. Nếu như trước đây, việc sản xuất rau của người dân theo kinh nghiệm, thói quen thì nay nhiều hộ đã thay đổi phương thức canh tác theo hướng an toàn, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng, chăm sóc rau.

Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đăng Lập (tổ dân phố 12), sau khi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ông đã chuyển sang trồng rau theo hướng an toàn. Để vườn rau sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ông Lập chú trọng đến khâu làm đất, đồng thời chọn trồng luân phiên các loại rau củ khác nhau trên cùng một đơn vị diện tích đất để hạn chế sâu bệnh. Cùng với đó, ông sử dụng hệ thống phun mưa để tưới rau giúp tiết kiệm nước, công lao động đồng thời gieo trồng thêm giống rau mới nhằm tăng năng suất. Ông Lập cho biết: “Trồng rau an toàn sẽ giúp hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, an toàn cho cả người trồng lẫn người dùng”.

Người dân dân trồng rau an toàn ở phường Khánh Xuân tưới rau bằng hệ thống phun mưa.
Người dân dân trồng rau an toàn ở phường Khánh Xuân tưới rau bằng hệ thống phun mưa.

Không chỉ gia đình ông Lập, đến nay trên địa bàn phường đã có 72 ha đất được người dân trồng rau theo hướng an toàn, hơn 80% nông hộ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ mô hình trồng rau an toàn, nhiều hộ trồng rau đã dần chuyển sang sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ với tổng diện tích 2,4 ha, sản lượng đạt hơn 43 tấn/vụ. Để hỗ trợ những hộ trồng rau an toàn hướng đến việc phát triển sản xuất bền vững, phường Khánh Xuân đã giới thiệu sản phẩm rau VietGAP đến các điểm du lịch sinh thái và các trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn để thu mua rau cho người dân.

 

"Nhờ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người dân dần thay đổi tập quán, cải thiện môi trường canh tác, giúp gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp". 

 

 
Phó Chủ tịch UBND phường Khánh Xuân Nguyễn Xuân Thăng

Cũng như người trồng rau, nông dân trồng cà phê được chính quyền địa phương định hướng, hỗ trợ để phát triển sản xuất theo hướng bền vững. Hằng năm, ngoài việc phối hợp với các ngành chuyên môn của thành phố tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cà phê, UBND phường còn tiến hành rà soát, phân loại diện tích cần tái canh và huy động nguồn lực hỗ trợ giống mới năng suất, chất lượng phục vụ cho việc cải tạo của người dân đạt hiệu quả, đồng thời hướng dẫn bà con thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, GlobalGAP, UTZ… nhằm bảo đảm an toàn sản phẩm.

Trong chăn nuôi, chính quyền địa phương cũng đã tuyên truyền, vận động người dân từng bước chuyển từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại và theo hướng an toàn sinh học; chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạn chế dịch bệnh, tăng thu nhập. Nhờ vậy, đến nay các hộ chăn nuôi đã đầu tư phát triển ở quy mô phù hợp, quản lý và xử lý môi trường hiệu quả. Đơn cử như gia đình anh Phạm Văn Khánh (tổ dân phố 12) chăn nuôi gà đẻ trứng, với quy mô 6.000 con, anh đã đầu tư xây dựng khu nhà trại khép kín rộng 500 m2, trang bị hệ thống phun sương làm mát để điều hòa nhiệt độ nhằm tạo môi trường sống và hạn chế các bệnh do nắng nóng gây ra cho vật nuôi. Nhờ đó, năng suất, chất lượng trứng luôn được đảm bảo. Toàn bộ lượng phân gà được anh thu gom bán cho các hộ trồng rau nên không xảy ra tình trạng ùn ứ, gây ô nhiễm.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.