Multimedia Đọc Báo in

Kịp thời hỗ trợ người dân sau đại dịch

08:46, 01/07/2020

Chia sẻ khó khăn với các hộ vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ. Nhiều hộ khó khăn đã tiếp cận được nguốn vốn, từng bước tìm hướng phát triển sản xuất.

Hộ chị H’Loan Adrơng (buôn Kana A, xã Cư M’gar) thuộc diện cận nghèo. Nhà có 5 sào cà phê già cỗi, thu nhập không là bao. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị xin làm thêm cho các dịch vụ tiệc cưới trên địa bàn, chồng chị thì kiêm luôn nghề phụ hồ, ai kêu gì làm nấy. Trước đây, trung bình mỗi tháng, hai vợ chồng chị cũng kiếm được 3 - 4 triệu đồng từ việc đi làm thuê. Trong thời gian giãn cách xã hội, các dịch vụ đám tiệc ngừng hẳn, nhu cầu xây dựng cũng không có, cả gia đình chị trông nhờ vào 5 sào cà phê già cỗi mà lại chưa đến vụ thu hoạch nên càng gặp nhiều khó khăn. May thay, tháng 5-2020, chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn ở buôn Kana A bình xét cho vay 50 triệu đồng với lãi suất 0,66%/tháng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar. Chị H’Loan chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ kịp thời này, vợ chồng chị có vốn để đầu tư mua phân bón chăm sóc vườn cà phê và mua thêm cây giống sầu riêng, bơ về để mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình.

Trong những ngày dịch, cuộc sống của gia đình chị H'Eng Niê (buôn Sah B, xã Ea Tul) - hộ vừa thoát nghèo vào đầu năm 2019 - càng thêm phần khốn khó. Nhà có đến 7 nhân khẩu, toàn bộ thu nhập đều trông chờ vào 8 sào cà phê già cỗi và tiền đi làm thuê của vợ chồng chị. Dịch bệnh xảy ra, không có ai thuê làm, gia đình chị mất đi một khoản thu để trang trải cuộc sống hằng ngày. Mong mỏi thoát nghèo bền vững, chị đã "gõ cửa" nhiều nơi để vay vốn với quyết tâm cải tạo vườn cà phê, mua giống cây ăn quả về trồng xen, gây dựng kinh tế gia đình. Cuối tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xét cho gia đình chị được vay 50 triệu đồng. Nhờ vậy, chị đã mạnh dạn đầu tư, tập trung vào sản xuất để mong thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó hiện tại.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar (giữa) trao đổi để tìm cách hỗ trợ vốn vay cho người dân xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M'gar (giữa) trao đổi để tìm cách hỗ trợ vốn vay cho người dân xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar.

Tương tự, gia đình chị H’Tinh Adrơng (buôn Huk B, xã Cư M’gar) là một trong những hộ cận nghèo của xã. Cuối năm 2016, vợ chồng chị vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để tái canh vườn cà phê già cỗi.

Theo đúng kỳ hạn, tháng 6-2020, chị phải hoàn trả số tiền gốc. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không ai kêu làm thuê, thu nhập từ vườn cà phê cũng chẳng thấm vào đâu khiến kinh tế gia đình chị càng khó khăn, chị H’Tinh không kịp xoay xở đủ số tiền để trả nợ. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, Ngân hàng Chính sách huyện đã xét cho hộ chị được giãn nợ 24 tháng, giúp chị có thêm thời gian để yên tâm lao động, tiếp tục sản xuất và tích lũy tiền để hoàn trả số vốn đã vay khi đến hạn.

Theo chị H’Chămban Rcăm, Phó Bí thư Đoàn xã Cư M’gar, Đoàn thanh niên xã Cư M’gar hiện có 3 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 139 tổ viên được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, số dư nợ đến nay là 3,5 tỷ đồng. Các chủ hộ đứng tên vay phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, sống bằng nghề nông và kiếm thêm nguồn thu bằng các nghề phụ hồ, làm công theo ngày, phục vụ cho các dịch vụ tiệc cưới... Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số lao động dịch vụ không có việc làm, thu nhập bị giảm sút mạnh. Trước khó khăn hiện tại, nhiều người có nhu cầu vay vốn để duy trì sản xuất, cải tạo vườn, đầu tư buôn bán nhỏ, Tổ tiết kiệm đã họp, rà soát các đối tượng để Ngân hàng Chính sách xã hội huyện xem xét tìm hướng hỗ trợ phù hợp.

Được hỗ trợ giãn nợ, hộ chị H’Tinh Adrơng (buôn Huk B, xã Cư M’gar) phần nào yên tâm hơn để tập trung chăm sóc vườn cà phê.
Được hỗ trợ giãn nợ, hộ chị H’Tinh Adrơng (buôn Huk B, xã Cư M’gar) phần nào yên tâm hơn để tập trung chăm sóc vườn cà phê.

Ông Võ Ngọc Hãn, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cư M’gar cho biết, Ngân hàng đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác vốn vay rà roát các khoản vay, nhận diện chính xác đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể, Ngân hàng đã áp dụng các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng phù hợp như: xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ cho vay đối với khách hàng vay vốn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dẫn đến khó khăn chưa trả được nợ gốc; cho vay bổ sung, vay mới để giúp khách hàng khôi phục sản xuất, kinh doanh…

Đặc biệt, trong thời gian cách ly xã hội, những món vay đến hạn trong tháng 4 đều được Ngân hàng tự động gia hạn chuyển sang tháng sau không tính nợ quá hạn. Riêng đối với những trường hợp nợ đến hạn nhưng hộ khó khăn chưa có điều kiện kịp trả nợ, nếu có đơn đề nghị thì Ngân hàng sẽ xem xét cho gia hạn nợ phù hợp với thiệt hại để hộ vay có điều kiện kéo dài thời gian sản xuất, kinh doanh... Tính đến ngày 10-6, tổng dư nợ hiện có hơn 340 tỷ đồng, với 11.286 hộ đang vay vốn.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã đạt doanh số cho vay hơn 43 tỷ đồng, giải quyết cho gần 1.200 hộ được vay vốn, trong đó, có gần 700 hộ nghèo, cận nghèo và vừa mới thoát nghèo. Ngoài ra, Ngân hàng cũng đã thực hiện gia hạn nợ đối với trên 200 khách hàng với số tiền hơn 4 tỷ đồng; cho vay bổ sung, vay mới gần 400 trường hợp với số tiền 14 tỷ đồng để hỗ trợ người dân đầu tư sản xuất, vực dậy kinh tế sau ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.