Multimedia Đọc Báo in

Phát triển làng nghề: Cần thêm nguồn lực

09:41, 26/07/2020

Trên địa bàn tỉnh có nhiều cụm, điểm nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được hình thành từ lâu và hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có thêm những nguồn lực hỗ trợ.

Nỗ lực giữ nghề truyền thống

Gần 40 năm nay, bà con ở làng nghề bánh tráng Hòa Nhơn (thôn 5, 6, 7, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) vẫn bền bỉ gắn bó với nghề truyền thống trong sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Đây là làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt tiêu chí làng nghề theo quy định. Làng nghề hiện có 62 hộ hoạt động thường xuyên và khoảng trên 30 hộ sản xuất theo thời vụ.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất theo quy mô lớn, người làm nghề đã ứng dụng công nghệ sản xuất bằng máy với công suất tăng gấp 10 lần so với trước đây, mỗi ngày cho ra thị trường hơn 800 nghìn sản phẩm. Hiện đã có 13 hộ dân đầu tư máy điện để sản xuất, với chi phí gần 200 triệu đồng/máy, còn lại vẫn theo cách làm thủ công.

Nghề làm bánh tráng không chỉ giúp nhiều hộ làm nghề truyền thống ở xã Ea Bar vươn lên khá giả với lợi nhuận từ 500 - 700 nghìn đồng/lò/ngày mà còn tạo việc làm cho hơn 500 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 100 - 150 nghìn đồng/người/ngày.

Ông Trần Ngọc Mỹ, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hòa Nhơn cho biết, bánh tráng Hòa Nhơn không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển bền vững làng nghề truyền thống, bà con rất mong được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị và xây dựng thương hiệu sản phẩm cho làng nghề nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh.

Xã viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện một sản phẩm  dệt thổ cẩm.
Xã viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) thực hiện một sản phẩm dệt thổ cẩm.

Trong khi đó, dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống từ bao đời nay của đồng bào buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột), nhưng dần mai một theo năm tháng. Năm 2003, chị em phụ nữ trong buôn đã liên kết lại để thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông với mong muốn khôi phục nghề truyền thống của đồng bào Êđê. Thời gian đầu, nhiều chị em chưa thạo nghề nên chất lượng sản phẩm chưa cao.

Hợp tác xã đã đứng ra mời những giáo viên, nghệ nhân lành nghề đến đào tạo thêm tay nghề, nhờ đó sản phẩm làm ra ngày càng tinh xảo, thẩm mỹ và được thị trường biết đến. Hợp tác xã bắt đầu có đơn đặt hàng, sản phẩm có đầu ra ổn định. Tại đây, hiện có 100 người còn theo nghề với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 2013, Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông đã triển khai loại hình kinh doanh du lịch cộng đồng, phục vụ du khách trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm, thưởng thức văn hóa cồng chiêng và ẩm thực của đồng bào. Nhờ đó, thu nhập của người dân được cải thiện, nghề dệt ở đây cũng có thêm sức sống mới.

Cần thêm nguồn lực về vốn và kỹ thuật

Có thể thấy, việc giữ gìn, phát triển nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng các ngành tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề nông thôn vẫn còn một số khó khăn, trong đó, đa phần các cụm, điểm nghề có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu vốn, công nghệ sản xuất chậm đổi mới; năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế và chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ sở chưa có định hướng phát triển lâu dài, thiếu vốn, thiếu lao động có tay nghề cao và chưa có mối liên kết với các nhà khoa học, nhà đầu tư và thị trường.

Một cơ sở sản xuất bánh tráng tại làng nghề Hòa Nhơn, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn.
Một cơ sở sản xuất bánh tráng tại làng nghề Hòa Nhơn, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn.

Nội lực của các cơ sở, làng nghề còn yếu, trong khi những hoạt động hỗ trợ của Nhà nước cho phát triển làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế. Cụ thể, chỉ có một số cơ sở sản xuất bánh tráng tại xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) được hỗ trợ gần 500 triệu đồng từ Chương trình khuyến công địa phương để đầu tư máy móc thiếu bị. Do đó trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề bài bản, chuyên nghiệp, bảo đảm các tiêu chí về sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra được những sản phẩm đạt chất lượng cao và có thương hiệu. Vấn đề ở đây là bên cạnh nỗ lực của các cơ sở, hộ sản xuất, bản thân các làng nghề cần được tiếp thêm nguồn lực nhất là về vốn, công nghệ kỹ thuật mới.

 
Việc bảo tồn, phát triển nghề truyền thống là cần thiết nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa của các dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con”.
 
Bà H’Yam Bkrông, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông

Năm 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh đã lập danh mục 15 điểm, cụm nghề (thuộc 5 làng, ngành nghề) tại 6 huyện, thị xã, thành phố cần được bảo tồn, phát triển. Cụ thể, có 10 cụm nghề dệt thổ cẩm tại TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Buôn Đôn, Lắk, Cư M’gar; 2 điểm nghề đan lát tại huyện Lắk và thị xã Buôn Hồ; 1 cụm nghề làm gốm cổ tại huyện Lắk; 2 cụm nghề sản xuất rượu men lá tại huyện Krông Năng.

Ngày 7-5-2019, UBND tỉnh có Quyết định 1034/QĐ-UBND về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Theo đó, tỉnh yêu cầu các sở, ngành rà soát, đánh giá đầy đủ về các cụm, điểm nghề để công nhận nghề truyền thống, làng nghề truyền thống cho những địa bàn có nghề bảo đảm các tiêu chí; ban hành chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó, chú trọng lồng ghép, cân đối thêm nguồn kinh phí từ các chương trình dự án và nguồn hỗ trợ hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ phát triển làng nghề.

Đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chính sách quy hoạch phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức các hội chợ triển lãm để trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm của làng nghề và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho làng nghề. Cùng với đó, phổ biến, tuyên truyền các cơ chế chính sách phát triển ngành nghề nông thôn để người dân và các tổ chức tham gia phát triển làng nghề.

Có thể nói, tỉnh đã có kế hoạch và chính sách hỗ trợ, phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thiết nghĩ, các sở, ngành, địa phương cần sớm có những giải pháp thực tế, hiệu quả để tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương về những ngành nghề công nghiệp nông thôn và tiếp thêm nguồn lực giúp các làng nghề phát triển bền vững.

Minh Thông - Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.