Multimedia Đọc Báo in

Thu thuế sầu riêng ở huyện Krông Pắc: Cần bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

10:35, 06/08/2020
“Trung tâm thu gom sầu riêng” Krông Pắc đang bắt đầu bước vào mùa thu hoạch chính. Thế nhưng thay vì vui mừng như những năm trước đây thì trên địa bàn lại xảy ra những “lình xình” liên quan đến việc thu thuế.
 
Đột ngột áp thuế?
 
Để tạo điều kiện hỗ trợ cho các địa phương và các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh sầu riêng trên địa bàn thực hiện tốt các quy định, ngày 23-7-2020, Phòng Tài chính – Kế hoạch (UBND huyện Krông Pắc) đã có văn bản hướng dẫn thủ tục hành chính quản lý kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện. Một trong những nội dung đáng chú ý trong văn bản này là quy định về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động thu mua sầu riêng.
 
Cụ thể, việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động thu mua sầu riêng sẽ được áp dụng theo Mục 3, Khoản 5, Điều 5, Thông tư số 219/2013/TT-BTC, ngày 31-12-2013 của Bộ Tài chính là: “Hộ, cá nhân kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu” và tại Mục b1, Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính “tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%”. Không áp dụng thực hiện phương pháp thuế khoán.
 
Người dân nhập sầu riêng tại một vựa thu mua trên địa bàn huyện Krông Pắc.
Người dân nhập sầu riêng tại một vựa thu mua trên địa bàn huyện Krông Pắc.
UBND huyện Krông Pắc yêu cầu tất cả các vựa mua bán sầu riêng phải đăng ký kinh doanh. Ngành thuế chủ trì cùng các đơn vị, địa phương liên quan kiểm soát chặt chẽ các kho bãi; xác nhận các lô hàng trực tiếp thu mua của người dân trước khi vận chuyển khỏi địa bàn…
 
Với căn cứ để tính thuế như trên, địa phương đang áp dụng mức bình quân giá thị trường là 40.000 đồng/kg sầu riêng, tương đương mức thuế thực tế (1% doanh thu và tỉ lệ thuế thu nhập cá nhân 0,5% doanh thu) là 600 đồng/kg.
 
Như vậy, mỗi container sầu riêng (15 tấn) sẽ phải chịu mức thuế là 9 triệu đồng. Theo nhiều chủ vựa thu mua sầu riêng, cách tính thuế trên quá “đột ngột” và quá cao, nhất là vào thời điểm khó khăn do dịch bệnh như hiện nay. Theo họ, khi thu mua sầu riêng tại huyện Krông Pắc, những năm trước đây cũng đã thực hiện tất cả những khoản thuế do địa phương yêu cầu theo quy định, không có vướng mắc xảy ra.
 
“Thực tế, các điều tiết thuế của chúng ta là cực kỳ thấp, chỉ 1,5% trên tổng doanh thu, quá nhỏ bé. Ở đây có cái gì đó rất không đúng đắn khi các doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ, lôi kéo người dân để mua gian bán lận” - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn.

Thế nhưng năm nay lại phát sinh thêm khoản thuế trên đầu mỗi ki-lô-gam sầu riêng như vậy thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Hơn thế, nhiều chủ vựa thu mua còn cho rằng, việc thu thuế của địa phương là không minh bạch, nhất quán. Với lập luận như vậy, nhiều chủ vựa thu mua sầu riêng ở đây đã phản ứng với chủ trương thu thuế của huyện Krông Pắc. 

Sự phản ứng còn bị đẩy lên đến "đỉnh điểm" khi mới đây đoàn liên ngành của huyện chặn 1 container chuẩn bị chở hàng khỏi địa phương và yêu cầu phải nộp thuế doanh thu theo quy định, với số thuế phải nộp là 9 triệu đồng/1 container 15 tấn. Chủ vựa và các tài xế không đồng ý, phản đối cách tính vì cho rằng, huyện áp thuế đột ngột và quá cao khiến kế hoạch kinh doanh của họ bị đảo lộn. Lúc này, nhiều chủ vườn cũng đến hiện trường phản ứng, gây mất trật tự và còn quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. 
 
Phải bảo đảm hài hòa lợi ích 
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh, quy định trên chỉ áp dụng với các chủ vựa, doanh nghiệp không đăng ký kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thuế trên địa bàn. Cách tính thuế không áp dụng với chủ vườn, người trực tiếp sản xuất. Đồng thời khẳng định, địa phương luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng phải trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật. Việc này đã được địa phương triển khai nhiều năm qua, nhưng thực tế chưa hiệu quả nên năm nay mới tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn. 
 
Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bùi Văn Chuẩn cũng khẳng định, việc quản lý thuế đối với sầu riêng trên địa bàn đã được triển khai từ nhiều năm qua chứ không phải bây giờ mới thực hiện. Nhiều năm nay, việc thất thu thuế từ mặt hàng sầu riêng là rất phổ biến, các địa phương, ngành thuế triển khai nhiều giải pháp để thu thuế đúng quy định, đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn.
 
Chú thích ảnh dưới: Nhân công của một vựa thu mua kiểm tra chất lượng dầu riêng thu mua tại huyện Krông Pắc
Nhân công của một vựa thu mua kiểm tra chất lượng dầu riêng thu mua tại huyện Krông Pắc.
Tuy nhiên việc thu thuế những năm qua là rất vất vả và không hiệu quả do có tình trạng không hợp tác, tìm mọi cách để lẩn tránh của các chủ vựa. “Việc huyện Krông Pắc triển khai thu thuế là áp dụng đối với lĩnh vực kinh doanh (chủ vựa) chứ không phải sản xuất (nhà vườn) vì bà con nông dân đã được miễn thuế rồi. Đối với doanh nghiệp đã đăng ký thì kê khai hàng hóa đã thể hiện trên hồ sơ kế toán.
 
Riêng một số cá nhân, tổ chức sau khi thu mua, vận chuyển thì phải đến cơ quan Thuế kê khai, thực hiện nộp thuế, có hóa đơn để thông hành. Công tác chống thất thu sẽ chỉ tập trung vào những đối tượng không thực hiện kê khai nộp thuế hoặc kê khai thiếu trung thực, không sát với thực tế sản lượng thu mua. Bên cạnh đó, việc áp mức thuế cũng không cứng nhắc áp dụng mức giá 40.000 đồng/kg mà tùy thuộc vào thực tế giá thị trường để tính thuế”, ông Chuẩn khẳng định. 
 
Cũng theo ông Chuẩn, phải tách bạch việc thu thuế ở đây là đối với đơn vị thu mua có phát sinh doanh thu, chủ vựa không thể lấy lý do khó khăn do dịch Covid-19 rồi ép giá người dân. Bởi đã có các nghị quyết của Thủ tướng, của Chính phủ hỗ trợ người kinh doanh, người nộp thuế gặp khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên một số trường hợp chống đối, vận động bà con cản trở đoàn công tác là hành vi xấu, trong khi các doanh nghiệp có đăng ký thì vẫn chấp hành tốt.
 
Là một người thu mua sầu riêng đã nhiều năm, bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu (có chi nhánh tại huyện Krông Pắc), khẳng định đơn vị sẽ chấp hành việc nộp thuế, nhưng yêu cầu huyện không thể “đột ngột” áp thuế giữa mùa dịch, trong lúc các doanh nghiệp đang rất khó khăn. Nếu không "tìm được tiếng nói chung" các đơn vị thu mua sẽ buộc phải hạ giá thành mua vào để có lợi nhuận.
 
Có thể nói, với đặc thù kinh tế của Đắk Lắk, việc thực hiện các biện pháp chống thất thu thuế đối với mặt hàng sầu riêng nói riêng, các loại nông sản nói chung là rất cần thiết. Tuy nhiên, để hoạt động thu ngân sách hiệu quả hơn, ngành thuế, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng, đủ nghĩa vụ của mình.
 
Đặc biệt, công tác thu phải bảo đảm tính nhất quán và công khai, minh bạch hơn nữa để có được sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, người dân, các đơn vị, doanh nghiệp thu mua cũng cần tự giác tuân thủ những quy định hiện hành, bảo đảm thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, tránh gây ra những "xung đột" không đáng có.
 
Giang Nam
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.