Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo lũ từ xa bằng hệ thống tự động

16:54, 26/09/2020

Nhiều năm nay, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp (Tổng Công ty Phát điện 3) đã đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo lũ từ xa, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân vùng hạ du nắm bắt thông tin nhanh chóng để chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, nhất là vào mùa mưa lũ.

Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah công suất 86 MW, nằm ở khu vực thượng nguồn sông Sêrêpốk, chính thức đưa vào vận hành năm 2010. Lưu vực dòng sông này có địa hình phức tạp, dọc hai bờ sông có nhiều bến nước người dân tập trung tắm giặt, mùa khô, trẻ em thường xuyên xuống sông tắm. Điều này tiềm ẩn những hiểm họa khi thủy điện chạy máy hay xả nước lớn nhằm điều tiết lũ. Để cảnh báo cho người dân vùng hạ du khi nhà máy xả nước, chủ công trình đã sử dụng hệ thống còi hụ để cảnh báo. Tuy nhiên, hạn chế của thiết bị này là âm thanh chỉ vang xa tối đa 5 km, do đó nhiều nơi xa hơn thì người dân không thể nghe được tín hiệu còi nên có thể gặp nguy hiểm khi thủy điện xả nước.

Trước thực trạng này, Ban Giám đốc công ty đã yêu cầu bộ phận kỹ thuật, vận hành phải nghiên cứu thiết kế hệ thống cảnh báo có hiệu quả hơn. Qua nghiên cứu, khảo sát, vùng hạ lưu công trình đều có sóng điện thoại di động nên các kỹ sư của công ty đã đưa ra ý tưởng triển khai mô hình cảnh báo lũ dựa trên sóng di động. Từ ý tưởng này, sau ba tháng tìm hiểu, nghiên cứu một hệ thống thiết bị tự động nhận cuộc gọi và phát ra âm thanh cảnh báo lũ hoàn toàn tự động đã được chế tạo, lắp đặt và đưa vào vận hành thành công.

Một cụm loa phát thông tin cảnh báo lũ được lắp đặt ở hạ du Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.
Một cụm loa phát thông tin cảnh báo lũ được lắp đặt ở hạ du Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah.

Thiết bị này khi nhận cuộc gọi đến sẽ tự bắt máy và báo về trung tâm để đầu gọi biết chắc chắn về tình trạng hoạt động. Sau đó, hệ thống sẽ tự động bật nguồn điện để vận hành hệ thống amply và loa phóng thanh. Nhận được tín hiệu cho thấy thiết bị đã hoạt động tốt, nhân viên sẽ tiến hành đọc thông báo. Ngay lập tức, thông báo này sẽ truyền đến thiết bị cảnh báo từ xa và phát ra loa phóng thanh. Trong trường hợp các trạm bị mất điện, thiết bị này cũng sẽ tự động khởi động máy phát điện dự phòng. Khi nội dung thông báo kết thúc, thiết bị sẽ tự động quay lại trạng thái chờ.

Sau khi đưa vào vận hành, đội ngũ kỹ sư của công ty đã nhiều lần cải tiến hệ thống cảnh báo lũ thông minh, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ của công nghệ truyền thông để giúp vận hành tiện lợi, an toàn và hiệu quả hơn. Hiện nhân viên vận hành không phải đọc thông báo như trước đây mà chỉ cần nhập nội dung thông báo trên máy tính thì sẽ có một giọng đọc chuẩn được gửi đến các trạm rồi phát ra loa. Các thông báo này được nhắc lại nhiều lần để bảo đảm toàn bộ người dân đều được nghe thấy. Theo Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp Nguyễn Đức, đến thời điểm này, đơn vị đã lắp đặt 20 cụm loa tại vùng hạ du, trong đó tập trung nhiều ở khu vực đông dân cư, bến nước, bến đò ngang, các lối xuống sông…. Ngoài các địa điểm do mình khảo sát, công ty cũng thực hiện lắp đặt trạm cảnh báo theo yêu cầu của địa phương để phù hợp với nhu cầu, tình hình thực tế, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân vùng hạ du.

Hiệu quả từ hệ thống cảnh báo lũ từ xa hoàn toàn tự động của Công ty Thủy điện Buôn Kuốp được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá cao, cấp Giấy chứng nhận sáng chế và hiện đang áp dụng cho nhiều nhà máy thủy điện khác trên cả nước.

Bên cạnh thông báo qua hệ thống các trạm cảnh báo, đơn vị cũng tạo website để đăng tải thông tin về tình hình chạy máy. Trong mùa lũ, trang thông tin này sẽ cập nhật tình hình lưu lượng nước và các thông tin liên quan về lũ với tần suất mỗi lần cách nhau 15 phút để chính quyền và người dân các địa phương chủ động biện pháp phòng chống lũ. Ngoài ra, công ty cũng trang bị màn hình theo dõi các thông số quan trắc và vận hành hồ chứa tại Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông và máy tính bảng đến một số cán bộ chuyên môn của tỉnh, huyện để theo dõi và nắm bắt kịp thời diễn biến vận hành điều tiết các hồ chứa. Để bảo đảm việc phối hợp cảnh báo lũ hiệu quả, nhất là trong mùa mưa, đơn vị luôn tuân thủ nghiêm ngặt Quy trình vận hành liên hồ chứa trên Sêrêpốk. Đồng thời, nắm chắc danh sách và số điện thoại của cán bộ chính quyền địa phương để chủ động phối hợp kịp thời trong những trường hợp cần thiết.

Ông Đặng Xuân Kiên, Chủ tịch UBND xã Ea Rbin (huyện Lắk) cho biết, địa phương nằm ở hạ du Thủy điện Buôn Tua Srah. Trước đây, vào mùa hè, trẻ em thường hay đi tắm sông, khi nước dâng cao đột ngột rất dễ bị đuối nước, nhưng từ khi có hệ thống cảnh báo lũ từ xa, những tai nạn đáng tiếc đã không còn nữa. Hiện tiếng loa cảnh báo xả nước của nhà máy thủy điện đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương, giúp bà con có ý thức chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Không những thế, một số hộ dân còn còn tự nguyện cho nguồn điện để phục vụ hoạt động của thiết bị cảnh báo lũ.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.