Multimedia Đọc Báo in

Kích cầu tiêu dùng hàng Việt

08:09, 29/09/2020

Trước những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, việc ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”  là giải pháp quan trọng được ngành chức năng và các doanh nghiệp (DN) của tỉnh triển khai để phục hồi, phát triển hoạt động thương mại.

Thị trường nội địa Việt Nam với dân số gần 100 triệu dân là thị trường đủ lớn và đủ hấp dẫn để nhiều DN chiếm lĩnh. Việc làm thế nào để khai thác hết tiềm năng của thị trường nội địa là "bài toán" lâu dài cho các DN Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, thị trường trong nước là giải pháp trước mắt để DN đứng vững và tìm kiếm cơ hội.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Để giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa, theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đề ra nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, giúp hàng Việt lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Cụ thể, khuyến khích các DN nội, cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực làm ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng; các hộ kinh doanh ưu tiên trưng bày, bày bán sản phẩm và quảng bá hàng Việt. 

Đặc biệt, trong vai trò "cầu nối” giữa các cấp ủy, chính quyền và người dân, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, nhân dân bằng những hình thức phong phú như: phát hành bản tin, xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, phóng sự, tin bài, xây dựng cụm panô, áp phích, xe loa tuyên truyền… để từng bước tạo thói quen, thay đổi hành vi mua sắm theo hướng ưu tiên dùng hàng Việt, giúp người dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm, quyền lợi của mình khi ưu tiên lựa chọn, sử dụng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước.

Người dân chọn mua hàng khuyến mãi trong chương trình
Người dân chọn mua hàng khuyến mãi trong chương trình "Tự hào hàng Việt" được triển khai tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Sở Công thương cũng đề xuất với tỉnh kế hoạch và các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh triển khai những đề án của Chính phủ về phát triển thị trường trong nước, các giải pháp hỗ trợ và phát triển DN, tổ chức nhiều hoạt động để tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Sở thường xuyên cập nhật, nắm bắt, xác định nhu cầu cần hỗ trợ của DN, tổ chức các chương trình hợp tác thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hoạt động kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm, các hội thảo chuyên đề… bị gián đoạn, không thể tổ chức được.

Kích cầu tiêu dùng nội địa

Để tìm cách vực dậy hoạt động giao thương vốn trầm lắng do dịch, Sở Công thương tích cực triển khai thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng nhằm tạo sức mua trên thị trường. Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết, "Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2020” được tổ chức trên địa bàn vào tháng 7 vừa qua là hoạt động điển hình trong hai tháng qua để hỗ trợ DN khôi phục, phát triển lại hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19. Theo đó, các DN có thể cung cấp mức khuyến mãi cho khách hàng lên tới 100% thay vì tối đa chỉ 50% như theo quy định, bởi đây là dịp để thu hút, kích cầu và phục hồi sức mua. Chương trình đã được các DN, cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng. Hàng loạt chương trình khuyến mãi được triển khai trên địa bàn nhằm nhanh chóng kéo sức mua sau mùa dịch. Trong tháng 7, toàn tỉnh đã có 645 chương trình khuyến mãi được tổ chức, góp phần "đánh thức" thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa hậu Covid-19.

Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.
Khách mua hàng tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột.

Quan tâm phát triển thị trường trong nước, các hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi cũng sẽ được xúc tiến, đẩy mạnh thực hiện vào những tháng còn lại của năm. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh (Sở Công thương), Trung tâm sẽ chú trọng tổ chức chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố nhằm hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa của tỉnh vào phân phối tại các tỉnh, thành và ngược lại. Đặc biệt, sắp tới đây, Trung tâm sẽ triển khai tổ chức có hiệu quả hoạt động của ba phiên chợ hàng Việt về miền núi tại các địa phương trong tỉnh để tạo thị trường tiêu thụ, gia tăng độ "phủ sóng" của hàng Việt, tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với chất lượng hàng hóa của các DN trong nước.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, cùng với hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mãi thì việc tổ chức hoạt động bán hàng lưu động, phiên chợ, hội chợ trong thời gian đến cũng sẽ đem lại hiệu quả lớn trong kích cầu mua sắm, tạo đòn bẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phía các DN, kể từ khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động kinh doanh bị giảm sút, nhiều DN quan tâm hướng đến thị trường trong nước để tận dụng tối đa lợi thế sẵn có. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn - An Thái (Tập đoàn An Thái) cho hay, lâu nay DN chủ yếu chú trọng vào xuất khẩu, nhưng thị trường tiêu thụ nội địa vẫn là "khoảng trống" tiềm năng chưa khai thác hết được. Khi hoạt động xuất khẩu bị giảm sút do dịch bệnh, DN vừa quay về tập trung hơn cho việc nâng cao chất lượng sản phẩm vừa tìm cách kích sức mua và khả năng tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, với uy tín lâu nay, sản phẩm của đơn vị đang ngày càng tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng bởi chất lượng và dịch vụ. Cà phê của DN Việt đã vươn ra được thế giới thì không có lý do gì lại không chinh phục được thị trường nội địa.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho hay, cùng với nỗ lực của DN, thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan, DN, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm Việt, sản phẩm chất lượng của địa phương để quảng bá. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối với các DN, cơ sở sản xuất, hợp tác xã tham gia những chương trình kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm của tỉnh. Bên cạnh đó, chợ truyền thống chiếm thị phần buôn bán nội địa lớn, nhưng doanh số đang bị suy giảm do hạ tầng thương mại của chợ truyền thống chưa đáp ứng yêu cầu. Sắp tới, Sở cũng tham mưu cho tỉnh tạo "cú hích" phát triển hạ tầng thương mại ở khu vực nông thôn, có cơ chế khuyến khích hỗ trợ để thu hút đầu tư.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.