Multimedia Đọc Báo in

Mở đường bay quốc tế tại Sân bay Buôn Ma Thuột - tại sao không?

08:51, 22/09/2020
Với lợi thế về điều kiện, khí hậu, vị trí địa lý, Đắk Lắk có nhiều thuận lợi để phát triển hàng không. Tuy nhiên, hiện nay Sân bay Buôn Ma Thuột vẫn đang là sân bay quốc nội, chưa được phép đón các chuyến bay quốc tế. Trong khi đó, nhu cầu thực tế của người dân, nhà đầu tư đến TP. Buôn Ma Thuột không phải ít.
 
Theo thống kê, giai đoạn 2015 - 2020, tổng lượng khách đến tham quan du lịch tại Đắk Lắk khoảng 4.215.000 lượt, riêng khách quốc tế 394.000 lượt. Trong đó, khách chủ yếu di chuyển bằng đường hàng không quốc nội từ các cảng hàng không quốc tế: Nội Bài (TP. Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) và Đà Nẵng để đến Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Tỉnh có nhiều điểm, khu du lịch thu hút lượng khách nước ngoài cao như hồ Lắk, Bản Đôn… Thêm vào đó, hai năm một lần tỉnh tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút khá nhiều du khách quốc tế, song tất cả đều phải di chuyển qua các cảng hàng không lớn từ tỉnh, thành khác nên mất khá nhiều thời gian cho việc đi lại.
Hành khách làm thủ tục tại nhà ga Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.
Hành khách làm thủ tục tại nhà ga Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.

Cùng với tiềm năng về vận chuyển khách, Đắk Lắk là địa phương có thế mạnh về cây công nghiệp với các sản phẩm xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới như cà phê, hồ tiêu, cao su, mật ong… nên khối lượng hàng hóa xuất khẩu hằng năm khá cao. Theo thống kê giai đoạn 2015 - 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt hơn 2,9 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng xuất khẩu của tỉnh hiện nay vẫn được vận chuyển bằng xe container rồi quá cảnh tại một số hệ thống cảng cạn ở các tỉnh lân cận. Không có cảng cạn, cảng biển, thêm vào đó hàng không chỉ vận chuyển quốc nội… là những yếu tố trở ngại rất lớn đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách của Đắk Lắk. Đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh hàng hóa nông sản xuất khẩu cho hay, các đoàn chuyên gia nước ngoài khi đến tỉnh công tác phải bay những chuyến bay chuyển tiếp hoặc di chuyển bằng đường hàng không, đường bộ với thời gian dài mới đến được Đắk Lắk khiến việc đầu tư, xúc tiến thương mại bị ảnh hưởng.

Ông Lê Thy Hà, đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam tại Buôn Ma Thuột cho biết, hiện nay Sân bay Buôn Ma Thuột chưa nằm trong quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải về cảng hàng không quốc tế. Để mở một sân bay quốc tế đòi hỏi phải có nhiều điều kiện đi kèm. Tuy nhiên, việc mở đường bay quốc tế tại sân bay nội địa không còn quá khó khăn như trước đây. Điều kiện cần là lượng khách ổn định, đội ngũ hải quan, công an, cửa khẩu, kiểm dịch y tế quốc tế và được cấp phép từ Cục Hàng không Việt Nam. Cơ sở hạ tầng tại Sân bay Buôn Ma Thuột đã cơ bản đủ điều kiện để đáp ứng các chuyến bay quốc tế. Trước mắt chỉ cần nâng cấp đường băng, khu vực làm việc của các đơn vị phối hợp tại sân bay. Về lâu dài, nếu lượng khách quốc nội, quốc tế tăng cao thì đầu tư thêm các hạng mục khác. Hiện nay, nhà ga hành khách Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột có công suất thiết kế 800 hành khách/giờ cao điểm, tương đương 2 triệu lượt khách mỗi năm, với 12 quầy làm thủ tục lên máy bay, 4 cửa ra máy bay. Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột là cảng hàng không nội địa kết hợp hoạt động bay dân dụng với hoạt động bay quân sự, được phép tiếp nhận các chuyến bay thường lệ, không thường lệ và các tàu bay tư nhân được Cục Hàng không Việt Nam cấp giấy phép. Cảng có khả năng tiếp nhận và cho cất hạ cánh các tàu bay loại D trở xuống như A321-200, B737, F70 và AT72. Hiện Cảng đang khai thác các đường bay đi, đến 7 tỉnh, thành phố gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vinh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thanh Hóa và Cần Thơ.

Hành khách tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.
Hành khách tại Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột.

Về lĩnh vực hải quan, ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Đắk Lắk cho hay, hiện tại đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ quản lý hải quan tại ba tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Riêng tỉnh Lâm Đồng có Cảng Hàng không Liên Khương để giải quyết thủ tục hải quan cho phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh. Đây không phải là sân bay quốc tế nhưng được phép đón chuyến bay quốc tế, bình quân 6 - 7 chuyến/ngày. Để đón một chuyến bay quốc tế đúng quy định thì lĩnh vực hải quan cần đội ngũ 6 nhân viên ở các lĩnh vực kiểm tra, giám sát hành lý; phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; phòng chống ma túy… Khi Sân bay Buôn Ma Thuột được phép đón chuyến bay quốc tế thì Cục sẽ áp dụng quy trình hải quan theo đúng quy định để phục vụ các chuyến bay quốc tế. Với những kinh nghiệm làm việc nhiều năm nay tại Cảng Hàng không Liên Khương và quá trình kết nối, vận hành của đơn vị thì Hải quan Đắk Lắk bảo đảm được yếu tố nhân lực, trình độ nghiệp vụ phục vụ khi Sân bay Buôn Ma Thuột có những chuyến bay quốc tế.

Cuối năm 2019, tại buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh đã có kiến nghị điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế đối với Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã có Thông báo số 09/TB-BGTVT, ngày 6-1-2020 đồng ý quan điểm này của tỉnh Đắk Lắk. Trước mắt, Bộ đề nghị tỉnh nghiên cứu, kêu gọi các hãng hàng không mở các đường bay quốc tế đi, đến Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột. Đồng thời xin ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan vì đây là cảng hàng không có vị trí, vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh, quốc phòng. Việc điều chỉnh Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế sẽ được xem xét sau khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.

Năm 2019, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đã phối hợp phục vụ an toàn 6.393 lần chuyến hạ, cất cánh, lượng hành khách thông qua Cảng đạt mốc hơn 1 triệu lượt khách và hơn 7 triệu tấn hàng hóa các loại. Đây là năm có lượt khách đi, đến TP. Buôn Ma Thuột qua đường hàng không cao nhất từ trước đến nay.

Hoàng Tuyết - Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.