Multimedia Đọc Báo in

Phát triển kinh tế từ giá trị văn hóa truyền thống

09:32, 25/09/2020

Trăn trở trước nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm truyền thống và được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2003 bà H’Yam Bkrông (ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã thành lập Hợp tác xã (HTX) Dệt thổ cẩm Tơng Bông.

Ban đầu HTX chỉ có 3/45 xã viên góp vốn theo quy định, còn các xã viên khác chỉ có thể góp từ 50.000 – 100.000 đồng; tay nghề của xã viên chưa đồng đều; việc điều hành, quản lý HTX còn lúng túng, trong đó trở ngại lớn nhất lúc bấy giờ là nguồn lực đầu tư còn hạn chế, sản phẩm chưa bảo đảm tính thẩm mỹ, khó tìm được thị trường tiêu thụ. Để tháo gỡ khó khăn, bà H’Yam đã vận động, thuyết phục chồng con dùng tài sản của gia đình để đầu tư cơ sở vật chất cho HTX. Đồng thời, bà cùng với các thành viên trong Ban Chủ nhiệm nhờ các nghệ nhân trong buôn trực tiếp truyền dạy nghề cho xã viên; tích cực học tập, nâng cao kiến thức về quản lý, điều hành HTX và tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo ra những mẫu mã, hoa văn mới để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm.

Ngoài áo nam, váy nữ, khăn bàn, chăn mền, HTX còn tạo ra các sản phẩm túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Với chất lượng, mẫu mã, màu sắc phong phú, đa dạng, sản phẩm của HTX làm ra ngày càng được nhiều người biết đến và dần dần được thị trường đón nhận. Những năm gần đây, HTX đã nhận được nhiều đơn đặt hàng ở trong nước, trong đó đã tạo dựng được thị trường ổn định tại các tỉnh Quảng Nam, Đắk Nông... Doanh thu hằng năm của HTX đạt 1,2 tỷ đồng, thu nhập của xã viên bình quân từ 3,2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà H'Yam Bkrông,  Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông  (thứ hai  từ phải sang)  trao đổi,  hướng dẫn  xã viên kỹ thuật dệt thổ cẩm.
Bà H'Yam Bkrông, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (thứ hai từ phải sang) trao đổi, hướng dẫn xã viên kỹ thuật dệt thổ cẩm.
 
Để mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho xã viên,  hiện nay HTX đã đầu tư kinh phí 1,7 tỷ đồng xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với 3 nhà sàn vừa phục vụ ẩm thực, vừa giới thiệu và trưng bày các nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, săn bắt của người Êđê. Ngoài ra, HTX còn kết hợp chăn nuôi, xây dựng trang trại rộng 2.000 m2 để nuôi 2.000 con gà thả vườn, 300 con heo thịt với tổng kinh phí 900 triệu đồng…
 
Hiện nơi đây những kỹ năng, kỹ thuật dệt vải, may váy, may chăn của phụ nữ Êđê xưa kia trên mỗi buôn làng đã được phục hồi, góp phần tạo thêm sinh kế giúp người dân thoát nghèo. Cũng nhờ am hiểu từng đường kim mũi chỉ nên mỗi thành viên trong HTX như một nghệ nhân có thể giới thiệu những kiểu dáng, họa tiết, ý nghĩa của từng sản phẩm gắn với bản sắc dân tộc mình đến du khách. 
Bà H'Yam Bkrông, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã.
Bà H'Yam Bkrông, Giám đốc HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông (bìa phải) giới thiệu các sản phẩm của hợp tác xã.
 
Đánh giá hiệu quả hoạt động của HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Kao Trịnh Thị Tuyết khẳng định: HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông được thành lập và phát triển đã góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho phụ nữ trên địa bàn xã, nhất là giúp đỡ những chị em nghèo phát triển kinh tế. Càng ý nghĩa hơn khi HTX đã duy trì được nghề dệt truyền thống, góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc…
 
Với những thành tích đạt được, HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba; 1 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương; 4 Bằng khen của UBND tỉnh Đắk Lắk; 3 Bằng khen của Liên minh HTX Việt Nam cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.


Hoàng Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.