Multimedia Đọc Báo in

Tìm hướng gỡ khó cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ

06:10, 04/09/2020

Ngành gỗ đã và đang trở thành một trong những ngành nghề có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến gỗ đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Hoạt động trong ngành nghề trồng rừng và chế biến, sản xuất gỗ… nhưng do khó khăn về nguyên liệu, thị trường và đặc biệt là bị tác động bởi dịch Covid-19 nên HTX Lâm nghiệp Hoàng Lâm (huyện Krông Bông) đành phải chuyển hẳn sang trồng rừng.

Ông Võ Tấn Hoàng, Giám đốc HTX Lâm nghiệp Hoàng Lâm cho hay, đi vào hoạt động từ năm 2018, đến nay đơn vị đã trồng được hơn 300 ha rừng keo tại các xã Cư Kty, Hòa Phong, Yang Mao. Cây keo sau 5 năm trồng mới đưa vào khai thác được nên HTX vẫn phải nhập nguồn nguyên liệu từ các địa phương khác. Từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm, đặc biệt là thị trường xuất khẩu ở các nước châu Âu đều đóng cửa nên HTX phải tạm ngừng sản xuất, chỉ tập trung trồng rừng. Theo kế hoạch, trong năm 2020, HTX sẽ trồng 200 ha rừng, song dịch Covid-19 làm các hoạt động vận tải ngưng trệ khiến đến nay vẫn chưa đủ cây giống để trồng. Diện tích rừng trồng chưa cho thu hoạch, sản xuất lại ngưng trệ khiến HTX đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn đầu tư.

Xưởng sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Minh Long Sang Trọng (TP. Buôn Ma Thuột).
Xưởng sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Minh Long Sang Trọng (TP. Buôn Ma Thuột).

Còn ông Bạch Văn Sanh, Giám đốc HTX Tiến Nam (huyện M’Drắk) chia sẻ, HTX chuyên sản xuất dăm gỗ và tiêu thụ khoảng 100 nghìn tấn nguyên liệu/năm, thị trường chủ yếu là Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 nên các thị trường này giảm đến 80% khả năng tiêu thụ khiến đầu ra sản phẩm của HTX gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, việc không có đầu ra khiến giá thu mua nguyên liệu bắt buộc phải giảm xuống nên người dân không chịu khai thác gỗ trồng để bán cho HTX.

Tương tự, hoạt động tiêu thụ sản phẩm đồ gỗ của Công ty TNHH Minh Long Sang Trọng (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đang gặp nhiều khó khăn. Bà Hoàng Thị Thúy, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết, dịch Covid-19 khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng giảm xuống đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu ở hệ thống bán lẻ, đại lý của đơn vị.

Bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ, nhiều DN sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn cho rằng, việc phát triển thương hiệu đồ gỗ của tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế còn hạn chế và chưa được chú trọng. Hầu hết các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, nguồn lực hạn chế nên chưa có nhiều kinh phí để thực hiện việc này.

 

Tỉnh sẽ luôn đồng hành và có những chính sách hỗ trợ cho DN nói chung và DN trong ngành gỗ nói riêng. Vừa qua, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ cho DN chế biến lâm sản vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh để đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, tạo đầu ra ổn định để người dân yên tâm sản xuất lâm nghiệp, đồng thời đảm bảo công tác bảo vệ và phát triển rừng”.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 60 cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Khó khăn nhất của các cơ sở chế biến, sản xuất gỗ hiện nay là nguyên liệu để duy trì sản xuất. Trong một thời gian dài, nguyên liệu phục vụ cho ngành chế biến gỗ trên địa bàn chủ yếu từ hai nguồn cơ bản là gỗ trong nước (gỗ tự nhiên và gỗ rừng trồng) và gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, kể từ năm 2014, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, nguồn nguyên liệu gỗ nội địa chỉ còn trông chờ vào gỗ rừng trồng. Thế nhưng hiện nay nguyên liệu rừng trồng trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất, việc nhập khẩu nguyên liệu hiện đang rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều DN lại chưa thay đổi công nghệ mới, cũng như đầu tư xây dựng nhà máy có kỹ thuật hiện đại để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 cũng khiến thị trường xuất khẩu trọng điểm bị thu hẹp, hàng hóa tồn đọng, giá đầu ra giảm, dẫn tới các đơn hàng vừa giảm, vừa khó thực hiện.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng đã và đang tìm những giải pháp phù hợp thực tế để triển khai. Đặc biệt, Sở NN-PTNT đang xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ gắn với công nghiệp chế biến, với định hướng tập trung phát triển rừng ở những vùng có thể trồng được rừng nguyên liệu và cải tạo rừng tự nhiên ở những vùng rừng xuống cấp, chất lượng, trữ lượng suy giảm.

Hợp tác xã Lâm nghiệp Hoàng Lâm (huyện Krông Bông) đang tạm dừng sản xuất và chuyển sang trồng rừng.
Hợp tác xã Lâm nghiệp Hoàng Lâm (huyện Krông Bông) đang tạm dừng sản xuất và chuyển sang trồng rừng.

Ông Nguyễn Hoài Dương nhấn mạnh, mục tiêu của Đề án là trong 7 - 8 năm tới sẽ tạo nên vùng nguyên liệu gỗ tập trung trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này, rất cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư lớn vào tỉnh đầu tư công nghệ, xây dựng nhà máy tiêu thụ nguồn nguyên liệu từ rừng trồng. Đề án cũng định hướng thu hút các DN đầu tư, liên kết với các công ty lâm nghiệp hoặc nhận đất, nhận rừng để cải tạo, trồng rừng gắn với đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Ngoài những chính sách của Trung ương hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Sở sẽ đề xuất tỉnh có những chính sách riêng để hỗ trợ DN ngành gỗ về đất đai, thuế, kết cấu hạ tầng… Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện để người dân tham gia trồng rừng nguyên liệu, phải làm sao cho DN sản xuất, chế biến gỗ thấy được vùng nguyên liệu tiềm năng trên địa bàn tỉnh để đầu tư vào.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.