Multimedia Đọc Báo in

Trầm lắng thị trường bánh trung thu

05:59, 11/09/2020

Thị trường bánh trung thu trên địa bàn tỉnh năm nay khởi động muộn hơn so với mọi năm. Khác với cảnh nhộn nhịp của mấy năm trước, thời điểm này, tình hình buôn bán khá ảm đạm, ít khách đến hỏi mua…

Trên các tuyến đường Lê Hồng Phong, Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu... của TP. Buôn Ma Thuột, nhiều gian hàng bày bán bánh trung thu đã được dựng lên, trang trí rực sắc đỏ làm cho không khí Tết Trung thu đang đến gần hơn với người dân.

Những năm trước, từ mùng 5 tháng 7 âm lịch, các quầy bánh trung thu đã được mở bán để phục vụ cho khách hàng mua về cúng rằm. Nhưng năm nay, trễ hơn 10 ngày, phải đến sau rằm tháng 7, các hộ kinh doanh mới dựng quầy để bán bánh.

Khách hàng hỏi mua bánh Trung thu tại một quầy bánh ở TP. Buôn Ma Thuột.
Khách hàng hỏi mua bánh trung thu tại một quầy bánh ở TP. Buôn Ma Thuột.

Theo ghi nhận, thị trường bánh trung thu năm nay khá đa đạng về mẫu mã với các hương vị như bánh trứng lá dứa, hạt sen, đậu xanh, khoai môn, heo quay, vi cá jambon, gà quay jambon, mè đen hạt dưa, nhân mềm, thập cẩm, hạnh  nhân… Bên cạnh các dòng bánh dẻo, bánh nướng truyền thống thì còn có thêm dòng bánh ăn chay, ăn kiêng. Nhiều nhất vẫn là các dòng sản phẩm của Kinh Đô, Đồng Khánh, Bibica, Yến sào Khánh Hòa…

Không chỉ đa dạng về hương vị, dành cho nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, nhất là cho thiếu nhi, người ăn kiêng và ăn chay, bao bì, mẫu mã hộp bánh cũng được các nhà sản xuất cải tiến nhiều theo hướng thiết kế đơn giản nhưng sang trọng hơn, nhất là ở dòng cao cấp, thích hợp để làm quà biếu dịp này.

Về giá cả, nhiều chủ gian hàng cho biết, bánh trung thu năm nay có giá tăng khoảng 3.000 - 5.000 đồng/chiếc so với mọi năm. Theo đó, các loại bánh dẻo, bánh nướng từ 1 - 4 trứng (150g - 800g), tùy loại có giá từ 50.000 - 390.000 đồng/cái. Riêng bánh dành cho thiếu nhi có giá 40.000 đồng/cái (loại 120g).

Tuy nhiên, hiện hầu hết các quầy hàng đều khá vắng vẻ, lượng khách đến hỏi mua bánh không nhiều. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, chủ quầy bánh trung thu Kinh Đô trên đường Lê Thánh Tông cho hay, đã qua rằm tháng 7 nhưng sức tiêu thụ rất chậm, mới chỉ có vài khách lẻ đến mua để thưởng thức chứ chưa có nhiều khách đặt bánh để biếu, tặng. Mọi khi thời điểm này, chị đã có hàng trăm đơn hàng, chủ yếu là của các công ty, doanh nghiệp đặt bánh làm quà biếu.

Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra việc bày bán bánh trung thu đoạn đường Lê Thánh Tông.
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra việc bày bán bánh trung thu đoạn đường Lê Thánh Tông.

Tương tự, chị Bạch Thị Bích Phượng, chủ quầy bánh Yến sào Khánh Hòa tại ngã ba đường Lê Thánh Tông - Bà Triệu chia sẻ, vắng khách mua nên việc buôn bán thời điểm này vẫn còn khá nhàn. Các loại bánh ở dòng bình dân từ 50.000 - 65.000 đồng/chiếc còn có vài khách hỏi mua ăn sớm, riêng những hộp bánh có giá trên 1 triệu đồng/hộp thì chưa thấy có người hỏi mua. Tình hình kinh doanh hiện vẫn không mấy khả quan, thậm chí khá ảm đạm.

Bánh trung thu truyền thống “made in Đắk Lắk” chưa thấy xuất hiện trên thị trường. Mọi năm bánh ở địa phương do các cơ sở sản xuất chủ yếu tập trung vào các dòng sản phẩm bình dân và thường có giá khá “mềm”, chỉ từ  khoảng 30.000 -  80.000 đồng/chiếc (tùy loại).

Sức mua trên thị trường khá chậm, nhiều chủ quầy bánh lo ngại tình trạng buôn bán mùa trung thu năm nay sẽ khó bằng mọi năm. Do đó, hầu hết các chủ quầy bán bánh trung thu đều nhập số lượng cầm chừng về bán và không dám “mạnh tay” ôm hàng dự trữ nhiều như những năm trước.

Theo ông Trương Bá Lộc, chủ cơ sở sản xuất Bánh mì Hà Nội (TP. Buôn Ma Thuột), bánh được sản xuất tại địa phương, không có chất bảo quản nên sẽ ra thị trường muộn hơn. Sang đầu tháng 8 âm lịch thì cơ sở mới chào bán bánh trung thu. Tuy nhiên, với sự trầm lắng của thị trường tại thời điểm này,  cơ sở dự kiến giảm sản lượng bánh từ 6 tấn như mọi năm xuống còn 4 - 5 tấn. Kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề làm và bán bánh, ông Lộc nhận định, thông thường, khoảng sau ngày 8-8 âm lịch, bánh mới thật sự “hút” người mua. Song, sức mua năm nay sẽ không bằng mọi năm.

Để bảo vệ người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuân thủ đúng quy định pháp luật, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đang mở đợt kiểm tra chuyên đề trước, trong và sau Tết Trung thu 2020. Theo đó, Cục sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng hóa kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… trong dịp Tết Trung thu. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra các mặt hàng thuộc nhóm ngành hàng như: bánh trung thu, sữa chế biến, dầu thực vật, bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, đồ chơi trẻ em... Riêng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, Cục tập trung kiểm tra việc sử dụng và nguồn gốc của nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến bánh trung thu; kiểm tra hóa đơn, chứng từ, nguồn gốc, xuất xứ; việc thực hiện các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa, công bố hợp quy; nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, đăng ký kinh doanh, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm… Thời gian sau dịp Tết Trung thu, Cục sẽ tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.