Multimedia Đọc Báo in

"Trẻ hóa" vườn cây bằng phương pháp cưa ghép cải tạo

06:14, 14/09/2020

Dựa trên chất lượng vườn cây, ngoài tái canh cà phê bằng cách trồng mới hoặc cưa ghép toàn phần, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đứng chân trên địa bàn xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar) đã và đang áp dụng hiệu quả phương pháp cưa ghép cải tạo (còn gọi là ghép lồng).

Công ty TNHH MTV Cà phê 15 hiện quản lý, chăm sóc hơn 850 ha cà phê. Toàn bộ diện tích được chăm sóc đúng kỹ thuật, sử dụng 100% phân bón vi sinh do công ty sản xuất, nguồn nước tưới bảo đảm, nhờ vậy năng suất cà phê luôn ổn định, bình quân đạt gần 4 tấn/ha. Tuy nhiên, hơn 90% diện tích cà phê của công ty đã hết chu kỳ kinh doanh với tuổi đời trên 25 năm. "Trước thực trạng này, từ năm 2012, công ty đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải tạo, lai ghép, tái canh "trẻ hóa" vườn cà phê, trong đó tái canh cà phê bằng cách cưa ghép cải tạo đem lại hiệu quả rõ rệt", Đại tá Phạm Xuân Thảnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 cho biết.

Cán bộ Đội tư vấn kỹ thuật - dịch vụ (Công ty TNHH MTV Cà phê 15) hướng dẫn người dân cách cưa ghép phù hợp đối với cây cà phê già cỗi.
Cán bộ Đội tư vấn kỹ thuật - dịch vụ (Công ty TNHH MTV Cà phê 15) hướng dẫn người dân cách cưa ghép phù hợp đối với cây cà phê già cỗi.

Với 1.000 cây cà phê có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năm 2013 anh Trần Trong (Đội 1) bắt tay cải tạo vườn cây bằng phương pháp cưa ghép từng phần. Được sự hướng dẫn của Đội tư vấn dịch vụ - kỹ thuật của công ty, anh Trong ghép thử nghiệm 2 giống cà phê TR4 và TR9 trên 300 cây cà phê. Anh Trong chia sẻ: “Không cắt bỏ thân cây cà phê cần ghép mà chỉ cưa bỏ những cành ít trái, tạo độ thoáng ở những vị trí có khả năng nuôi chồi từ dưới gốc thân và tiến hành ghép khi chồi gốc đủ tiêu chuẩn, giữ lại cành còn khả năng cho quả. Đến khi chồi ghép phát triển, phân cành, tỏa tán đi vào kinh doanh mới cắt bỏ dần các cành cũ, nhờ vậy vườn cây vẫn cho sản lượng khá ổn định, không để mất thu nhập trong khi cải tạo vườn cà phê”. Sau 3 năm, anh Trong đã hoàn thành việc ghép giống mới cho toàn bộ vườn cà phê. "So với những vườn cà phê chưa thực hiện ghép bằng các giống mới, vườn cây nhà mình cho năng suất cao hơn từ 1 - 1,2 tấn/ha đối với vụ đầu; năng suất sẽ tăng dần và khi ổn định sản lượng đạt 4,5 tấn/ha", anh Trong nhận xét.

Vườn cà phê của anh Trần Trong (Đội 1) thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 được “trẻ hóa”phát triển xanh tốt.
Vườn cà phê của anh Trần Trong (Đội 1) thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê 15 được “trẻ hóa”phát triển xanh tốt.

Tương tự, vườn cà phê của anh Nguyễn Minh Hào (Đội 5) do đã già cỗi nên năng suất, chất lượng đạt thấp. Học hỏi kinh nghiệm từ các hộ có vườn cà phê đã ghép thành công, từ 100 cây cà phê được ghép thử nghiệm ban đầu đến nay toàn bộ diện tích 2 ha của gia đình anh Hào đã được ghép cải tạo bằng giống TR4. Theo anh Hào, phương pháp cưa ghép từng phần có lợi là rút ngắn được thời gian so với cách chặt bỏ đi trồng mới, tiết kiệm chi phí đầu tư tái canh. Sau khi ghép, cây phát triển rất tốt, tán rộng, hoa ra nhiều và đều, chỉ sau 2 năm là cho thu hoạch và năng suất tăng lên rõ rệt. Nếu thời điểm cách đây 4 năm khi vườn cà phê chưa được cải tạo, năng suất chỉ đạt gần 3 tấn/ha thì hiện nay đạt 4 - 4,5 tấn/ha.

Đến nay, Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đã thực hiện tái canh bằng phương pháp cưa ghép cải tạo cho gần 200 ha cà phê. Trong khi nhiều bà con nông dân và các doanh nghiệp sản xuất cà phê trong tỉnh gặp không ít khó khăn về kỹ thuật cũng như nguồn vốn đầu tư tái canh cà phê thì mô hình “trẻ hóa” cà phê của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đã bước đầu mang lại hiệu quả, đơn vị duy trì được năng suất vườn cây, rút ngắn thời gian kiến thiết và ổn định đời sống người lao động.

Chồi ghép đến năm thứ hai đã cho quả, năm thứ ba đi vào kinh doanh. Cà phê được “trẻ hóa” có nhiều ưu điểm nổi trội như: phân cành nhiều, kích cỡ hạt lớn, chất lượng tốt và có khả năng chống bệnh gỉ sắt. Nếu áp dụng tốt các khâu kỹ thuật, tỷ lệ mắt ghép thành công đạt trên 90%, thời điểm ghép chồi tốt nhất là ngay sau khi thu hoạch xong cà phê.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.