Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu nỗ lực đạt mục tiêu vào cuối năm

08:31, 03/09/2020

Nhiều mặt hàng xuất khẩu của tỉnh bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bằng những giải pháp đồng bộ, tích cực, ngành công thương và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh quyết tâm hoàn thành mục tiêu xuất khẩu vào cuối năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh 7 tháng của năm 2020 thực hiện 300 triệu USD, đạt 46,2% kế hoạch năm và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng xuất khẩu các sản phẩm như cà phê nhân, cà phê hòa tan, hạt tiêu, sản phẩm ong đã tăng trở lại. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm sắn, điều, cao su đều giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tiếp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một số nước thực hiện giãn cách, đóng cửa biên giới đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa và sức mua của các nhà nhập khẩu. Không những vậy, giá cả nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh đều bị giảm sút liên tục, dẫn đến giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái.

Đóng gói chuẩn bị xuất xưởng cà phê tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9.
Đóng gói chuẩn bị xuất xưởng cà phê tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2-9.

Thực hiện chức năng của mình, Sở Công thương đã và đang theo dõi diễn biến cung - cầu, thông tin về thị trường, những lưu ý về xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh để kịp thời có những thông tin cảnh báo cho DN. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu, giới thiệu cơ hội kinh doanh cho DN nhằm khôi phục hoạt động trao đổi thương mại với bên ngoài.

Theo đánh giá của các DN xuất khẩu, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một số đơn hàng xuất đi bị đình trệ trong những tháng vừa qua. Lượng tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc bị giảm mạnh, sức mua của các thị trường khác cũng chậm lại. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn An Thái (Tập đoàn An Thái) chia sẻ, DN bị suy giảm lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm do nhu cầu tiêu thụ trên thị trường giảm mạnh, đơn hàng phát sinh gần như không có. Tuy nhiên, khoảng hơn một tháng trở lại đây, DN nhận được nhiều tín hiệu lạc quan hơn từ thị trường xuất khẩu. Một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc… hiện đang có dấu hiệu hồi phục, các đối tác bắt đầu thương thảo thêm những đơn hàng mới. Đến nay, hoạt động xuất khẩu tại đơn vị đã phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng hơn 20% so với trước đó.

Tương tự, do tác động của dịch bệnh, Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh (TP. Buôn Ma Thuột) cũng bị ảnh hưởng mạnh trong khâu thu mua cà phê và xuất đi. Tuy nhiên, việc Chính phủ đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát tình hình dịch bệnh khiến DN vẫn yên tâm hoạt động. Thời điểm này, nhiều hợp đồng đang được các DN thương thảo và bắt đầu nhận thêm một số đơn hàng mới. Tuy nhiên, khó khăn chưa phải là hết, DN vừa lo phòng chống dịch, vừa nỗ lực hoạt động kinh doanh. Bà Nguyễn Thị Phúc Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Phúc Minh chia sẻ, để vượt khó, DN tìm cách giữ chân người lao động, tổ chức hoạt động kinh doanh an toàn, duy trì ổn định nguồn thu mua đầu vào, tăng cường thực hiện giao thương trực tuyến với đối tác các nước, tìm thêm các đơn hàng ở phân khúc bình dân… Thị trường đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, DN ra sức nỗ lực tìm kiếm đơn hàng trong quý 4 nhằm tăng doanh thu, bù lại cho khoảng thời gian trước đó.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất cà phê chế biến sâu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất cà phê chế biến sâu của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, An Thái đã xây dựng kỹ kịch bản đối phó trong thời gian còn lại của năm 2020 để đạt mục tiêu như đã đề ra. Theo ông Thắng, ngành cà phê chế biến sâu vẫn có đơn hàng khi mình tham gia và đáp ứng được tiêu chuẩn của đối tác. Thời gian qua, khi các đơn hàng phát sinh không có thì công ty tập trung vào đầu tư máy móc, tiếp tục đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao chất lượng nhân sự, chú ý hơn trong hoạt động tiếp thị, tìm hiểu thị trường… để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Việc xác định rõ sản phẩm của mình cung cấp cho thị trường nào, khách hàng nào và có sự tìm hiểu sâu về nhu cầu, văn hóa của thị trường tiêu thụ… có thể sẽ giúp DN hồi phục và tìm lại đà tăng trưởng tốt vào những tháng tiếp theo.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu của năm 2020, Sở Công thương tiếp tục theo dõi tình hình giao thương hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo đà cho hoạt động xuất khẩu tiến triển. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách các hành chính, hỗ trợ thông tin... tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho DN.

Theo kế hoạch năm 2020, kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh phấn đấu thực hiện được 650 triệu USD. Trong đó, sản lượng cà phê nhân xuất khẩu đạt 240.000 tấn, cà phê hòa tan 7.500 tấn, tiêu 6.500 tấn, sản phẩm ong 9.000 tấn, cao su 9.000 tấn...

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.