Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả bước đầu từ tái canh cà phê ở Ea Tul

13:58, 31/10/2020

Việc tái canh cà phê được nông dân trên địa bàn xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) thực hiện từ nhiều năm trước nhưng mạnh nhất từ năm 2015 đến nay.

Khi mới triển khai, xã cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, nhiều vườn cà phê già cỗi đang dần được thay thế bằng những giống mới, cho năng suất cao.

Theo thống kê, chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, nông dân xã Ea Tul đã tái canh được 85 ha cà phê. Trong quá trình tái canh, bà con đã chủ động loại bỏ những giống cũ, không rõ nguồn gốc, cho năng suất, chất lượng kém bằng những loại giống mới, cho hiệu quả kinh tế cao như: TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TRS1…; đồng thời, chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, hiệu quả cây trồng. Hiện nay, năng suất cà phê bình quân của xã đạt 2,5 tấn/ha…

Ông Trần Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tul cho biết: “Ea Tul là một trong những địa phương có diện tích cà phê lớn trên địa bàn huyện Cư M’gar, với gần 4.280 ha. Trong đó, có hơn 3.800 ha đang trong giai đoạn kinh doanh. Hiện nay, trên địa bàn xã có khoảng 30% diện tích cà phê già cỗi, giống cũ, năng suất thấp (chỉ đạt bình quân dưới 1,5 tấn/ha) nên hiệu quả kinh tế không cao. Việc chủ động thực hiện tái canh vườn cây không chỉ cải thiện thu nhập cho các nông hộ mà còn góp phần duy trì diện tích, ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng cà phê ở địa phương".

 

Vườn cà phê tái canh của gia đình anh Y Bar Hđơk (bên trái).  Ảnh: T.Dũng
Vườn cà phê tái canh của gia đình anh Y Bar Hđơk (bên trái). Ảnh: T.Dũng

 

Gia đình ông Y Pôl Ayun (ở buôn Knia) có 4,5 sào cà phê già cỗi trồng cách đây hơn 24 năm nên năng suất thấp. Năm 2016 gia đình ông quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng mới bằng giống TR4 - là giống cà phê có năng suất cao và chống chịu các loại sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng. Chỉ sau 2 năm vườn cây đã bắt đầu cho thu bói, mỗi năm thu được từ 1,2 - 1,3 tấn cà phê nhân, năng suất cao hơn rất nhiều so với trước đây, mang lại cho gia đình nguồn thu nhập khá mỗi năm… Ông Y Pôl Ayun chia sẻ: “Trước đây, vườn cà phê cũ mỗi năm chỉ thu được 7 tạ, năm nào cao thì được 8 tạ, gia đình đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng cũng không cải thiện được là mấy. Từ khi thực hiện tái canh, năng suất vườn cây đã được cải thiện rõ rệt, tăng 60 - 70% so với trước đây, cà phê giống mới không chỉ dễ hái mà trái còn to”.

Giai đoạn 2016 – 2020, xã Ea Tul đã tiếp nhận và cấp phát 64.100 cây cà phê giống hỗ người dân thực hiện tái canh. Trong đó, có 54.820 giống cà phê vối thực sinh và 9.280 giống cà phê ghép. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay đã tiếp nhận và hỗ trợ 9.090 cây cà phê thực sinh…

 

Tương tự, vào cuối năm 2016, gia đình anh Y Bar Hđơk (ở buôn Đing) cũng đã mạnh dạn phá bỏ 250 cây cà phê già cỗi của gia đình để tiến hành tái canh. Gia đình anh đã tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ các biện pháp kỹ thuật từ quy trình trồng, chăm sóc, chọn giống, xử lý đất cho đến tạo tán, tỉa cành… Đến nay vườn cà phê tái canh của gia đình anh Y Bar phát triển khá tốt, ngay vụ đầu tiên gia đình đã thu được 4 tạ cà phê nhân và thời gian tới, khi cà phê bước vào thu hoạch chính thì năng suất, sản lượng sẽ còn cao hơn nữa.

Trung Dũng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.