Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân làm giàu

08:30, 06/11/2020

Thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập và tạo việc làm cho nhiều nông dân khác tại địa phương.

Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen

Anh Lưu Văn Đức (buôn Cuôr, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đã thành công với mô hình chăn nuôi gà Hmông (thịt đen, xương đen) kết hợp với trồng cây ăn trái, đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năm 2005, anh Đức quyết định rời TP. Hồ Chí Minh lên Đắk Lắk lập nghiệp. Với số vốn dành dụm được, anh mua 1,2 ha đất trồng các loại cây ăn trái kết hợp chăn nuôi nhằm phát triển kinh tế gia đình. Tháng 5-2008, sau khi tìm hiểu một số mô hình chăn nuôi, anh Đức mua 200 con gà giống Hmông từ các tỉnh miền núi phía Bắc về nuôi và sau đó tự gây dựng con giống. Nhờ tuân thủ các quy trình chăm sóc, phòng bệnh và biết cách phối trộn thức ăn cho vật nuôi nên đàn gà sinh trưởng tốt. Sau 4 tháng chăn nuôi, gà đạt trọng lượng trung bình 1,7 kg/con. Với giá bán 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 50 triệu đồng. Theo anh Đức, với đặc điểm dễ chăm sóc, đầu tư ít vốn, tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn, nuôi gà Hmông mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp 2 lần so với giống gà nuôi thả vườn khác. Do đó, anh Đức đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên 9.000 con gà thương phẩm. Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi năm gia đình anh lãi hơn 600 triệu đồng.

Anh Lưu Văn Đức giới thiệu về sản phẩm gà Hmông tới khách hàng.   Ảnh: T.Mai
Anh Lưu Văn Đức giới thiệu về sản phẩm gà Hmông tới khách hàng. Ảnh: T.Mai

Không chỉ làm giàu cho gia đình, với mong muốn hình thành chuỗi liên kết sản xuất giống gà Hmông, tháng 8-2018, anh Đức đã đứng ra vận động một số nông dân thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và thương mại dịch vụ Đại Phúc với 9 thành viên. HTX hoạt động theo nguyên tắc “4 chung”: chung giống, chung kỹ thuật, chung nguồn thức ăn và chung giá bán. Việc tuân thủ nguyên tắc “4 chung” đã giúp việc chăn nuôi gà của các thành viên HTX phát triển đồng đều cả về trọng lượng và chất lượng. Sản phẩm gà đen của HTX đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao đợt 1 năm 2020.

Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm gà Hmông của HTX, anh Đức đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, hội nông dân các cấp đem sản phẩm tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, HTX còn liên kết với các nhà hàng trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như Đắk Nông, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định… để tiêu thụ sản phẩm. Bình quân mỗi tháng HTX cung ứng ra thị trường khoảng 2.500 con gà với giá bán ổn định 110.000 đồng/kg. Cùng với tạo điều kiện tăng thu nhập cho các thành viên, HTX còn liên kết với một số hộ nông dân và giúp đỡ 10 hộ nghèo trong xã về con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động nhàn rỗi với mức thu nhập mỗi tháng gần 5 triệu đồng/người.

Xây dựng thương hiệu cà phê bột Ea Wy

Năm 1990, gia đình chị Lương Thị Oanh rời quê hương Cao Bằng vào thôn 6a, xã Ea Wy (huyện Ea H’leo) lập nghiệp. Thời gian đầu, gia đình chị chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như lúa, đậu, bắp… nhưng năng suất không cao. Với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, năm 1995 chị Oanh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 5 ha đất của gia đình sang trồng cà phê, hồ tiêu. Nhờ tiếp cận với các mô hình phát triển kinh tế, chị Oanh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chị đã đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun mưa dưới gốc giúp tiết kiệm nước tưới và giảm nhân công; bón phân đủ liều lượng, đúng thời điểm, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để canh tác bền vững… Nhờ vậy, cà phê, hồ tiêu của gia đình chị dần tăng lên cả về năng suất lẫn chất lượng, đạt 4-5 tấn/ha. Cùng với trồng cà phê, tiêu, chị còn mua thêm 9 ha đất trồng cao su để tăng thêm nguồn thu.

Từ những kinh nghiệm tích lũy được, chị Oanh sẵn sàng chia sẻ cho bà con nông dân tại địa phương để áp dụng vào sản xuất. Hằng năm, chị tham gia giúp vốn, giống, vật tư nông nghiệp cho 10 nông dân có hoàn cảnh khó khăn để phát triển sản xuất. Nhờ nắm vững kỹ thuật canh tác cà phê, hồ tiêu theo hướng bền vững, năm 2016, chị đã đứng ra chịu trách nhiệm quản lý và điều hành HTX Sản xuất nông nghiệp Ea Wy đang hoạt động kém hiệu quả sau một năm thành lập. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, chị đã vận động các thành viên tập trung mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm để cung ứng ra thị trường.

Chị Lương  Thị Oanh (bên phải) chia sẻ  kinh nghiệm với các đại biểu tại Hội nghị điển hình  tiên tiến  Hội Nông dân tỉnh lần thứ IV, giai đoạn 2020 - 2025.   Ảnh: T.Mai
Chị Lương Thị Oanh (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm với các đại biểu tại Hội nghị điển hình tiên tiến Hội Nông dân tỉnh lần thứ IV, giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh: T.Mai

Sau 4 năm phấn đấu, hiện nay HTX đã xây dựng được thương hiệu và phân phối sản phẩm cà phê bột Ea Wy, hồ tiêu Ea Wy ra các tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, sản phẩm cà phê bột Ea Wy của HTX đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cấp Giấy chứng nhận là sản phẩm tiêu biểu năm 2016 và 2017; UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao đợt 1 năm 2020.

Bên cạnh đó, mỗi năm HTX còn cung cấp khoảng 200 tấn cà phê nhân ra thị trường, qua đó đã tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nông sản do thành viên và nông dân làm ra; tạo việc làm thường xuyên cho 105 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân 4,2 triệu đồng/người/tháng.

Tuyết Mai

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.