Multimedia Đọc Báo in

Thống nhất mô hình quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp: Nên hay không nên?

09:23, 01/11/2020

Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư phát triển cụm công nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Sở Công thương, tính đến nay, đã có 11 cụm công nghiệp đã được thành lập tại các huyện: Ea Kar, M’Drắk, Ea H’leo, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Năng, Cư Kuin, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột (2 cụm công nghiệp); có 3 cụm công nghiệp thuộc huyện Krông Búk, Krông Ana, Krông Pắc đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đã có 147 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư vào 8 cụm công nghiệp đang hoạt động.

Trong số 14 cụm công nghiệp đã được thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết, có 3 mô hình quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật, gồm: mô hình doanh nghiệp làm chủ đầu tư, mô hình trung tâm phát triển cụm công nghiệp và mô hình do UBND các huyện quản lý thông qua ban quản lý hoặc phòng kinh tế hạ tầng. Cụ thể, đối với cụm công nghiệp Tân An 1, Tân An 2 thuộc TP. Buôn Ma Thuột do Công ty cổ phần Giao thông Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư; cụm công nghiệp Krông Búk 1 do Công ty TNHH MTV Đầu tư và kinh doanh hạ tầng công nghiệp Ngọc Hùng làm chủ đầu tư. Cụm công nghiệp Cư Kuin do Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp huyện làm chủ đầu tư. Các cụm công nghiệp còn lại thuộc các huyện M’Drắk, Ea Kar, Ea H’leo, Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Năng, Krông Pắc và TX. Buôn Hồ do ban quản lý cụm công nghiệp cấp huyện hoặc phòng quản lý kinh tế - hạ tầng thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư.

 

Một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trong Cụm công nghiệp Ea Ral (huyện Ea H'leo).  Ảnh: Minh Thông
Một cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trong Cụm công nghiệp Ea Ral (huyện Ea H'leo). Ảnh: Minh Thông

 

Như vậy, hiện nay mô hình quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa có sự thống nhất; mỗi cụm công nghiệp có một mô hình quản lý khác nhau, dẫn đến hình thức kêu gọi đầu tư, hiệu quả hoạt động cũng khác nhau. Vấn đề đặt ra là có cần thiết phải sắp xếp, tổ chức lại cho thống nhất mô hình quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hay không? Nếu tổ chức lại thì lựa chọn mô hình nào cho phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội của địa phương?

Đối với mô hình doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư, theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11-6-2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp thì khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đề nghị thành lập, mở rộng cụm công nghiệp. Có thể thấy, ưu điểm nổi bật của mô hình này là giảm được gánh nặng ngân sách nhà nước, nếu tìm được doanh nghiệp tốt để đầu tư thì hiệu quả hoạt động rất khả quan; khi xảy ra các vấn đề về hạ tầng kỹ thuật như hư hỏng, chậm tiến độ thì được doanh nghiệp triển khai khắc phục kịp thời, tạo thuận lợi cho các đơn vị hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo Sở Công thương, hiện nay mô hình này chưa phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh, các doanh nghiệp làm chủ đầu tư tại cụm công nghiệp nói trên triển khai dự án đầu tư còn chậm, đơn vị chưa tổ chức được bộ máy quản lý điều hành nên còn lúng túng trong xử lý, giải quyết các công việc. Do đó, mô hình này rất khó triển khai thực hiện trong giai đoạn hiện nay, vì khó tìm được doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Đối với mô hình trung tâm phát triển cụm công nghiệp (được áp dụng tại cụm công nghiệp Cư Kuin) và ban quản lý cụm công nghiệp, theo đánh giá của UBND các huyện có cụm công nghiệp đang tổ chức hoạt động theo mô hình này thì việc quản lý đầu tư bằng mô hình này khá hiệu quả. Trung tâm quản lý cụm công nghiệp là đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp huyện, được thành lập theo Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý cụm công nghiệp được thành lập theo Nghị định số 68/2017/NĐ-CP là các đơn vị sự nghiệp nhà nước, do đó công tác chỉ đạo, điều hành có nhiều thuận lợi. Việc tổ chức nhà nước làm chủ đầu tư thường tạo được niềm tin, tăng khả năng thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn kinh phí này sẽ không đảm bảo được tiến độ và chất lượng như mong muốn. Bên cạnh đó, việc thành lập trung tâm này sẽ kéo theo tăng biên chế sự nghiệp tại địa phương nên khó khăn trong việc tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10/-017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với các cụm công nghiệp do phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện quản lý làm chủ đầu tư thì giải quyết được vấn đề về biên chế, nghĩa là không thành lập tổ chức quản lý độc lập nên không phát sinh biên chế, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng bằng nguồn vốn nhà nước sẽ là gánh nặng cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, do chưa có một tổ chức chuyên nghiệp quản lý, điều hành hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp nên ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động này.

Mỗi mô hình quản lý đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đều có những ưu, nhược điểm nhất định, mỗi huyện sẽ có một chọn lựa tổ chức mô hình quản lý cụm công nghiệp tương ứng với đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình. Do đó, nếu thống nhất các mô hình này thành một mô hình duy nhất sẽ gặp phải nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện. Vậy nên cần đánh giá hiệu quả hoạt động của từng mô hình, để có lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Mô hình nào triển khai hiệu quả thì nên phát huy, duy trì hoạt động, không cần thiết phải thống nhất, nhưng cũng cần lưu ý đến vấn đề tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Phan Hiền

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.