Multimedia Đọc Báo in

Mưa lũ kéo dài tiếp tục gây thiệt hại nghiêm trọng

08:16, 02/12/2020

Do mưa lớn kéo dài từ ngày 28-11 đến 1-12, trên địa bàn các huyện M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông nước lũ tiếp tục đổ về, mực nước ở các sông, suối ngày càng dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập và sạt lở nặng.

Tại huyện M’Drắk, đến sáng 1-12, trời vẫn mưa lớn, mực nước ở các sông, suối tiếp tục dâng cao khiến nhiều khu vực bị ngập. Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện cho biết, địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan đã di dời gần 90 hộ dân khu vực lòng hồ Krông Pách thượng bị ngập về nơi an toàn. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng di dời.

Chị Liều Thị Trô, ở thôn 9 (xã Cư San) cho hay, mưa lớn, nước ngập đến chuồng heo, gia đình phải bắt hai con heo đem đi nơi khác. Buổi tối, cả nhà không dám ngủ vì lo nước tiếp tục dâng cao. Hiện xã đang vận động bà con di dời đến nơi khác để bảo đảm an toàn về người.

Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk) bị sụt lún, đứt đoạn.
Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk) bị sụt lún, đứt đoạn.

Mưa lớn cũng khiến nhiều ngầm, cầu trên địa bàn huyện bị ngập gây chia cắt giao thông, đặc biệt tại Km53+400 Quốc lộ 26 (đoạn qua đèo M’Drắk) vào lúc 21 giờ ngày 30-11 đã xảy ra sạt lở, sụt lún làm đứt một đoạn đường trên Quốc lộ 26 với chiều dài khoảng 50 m, sâu khoảng 10 m, với khối lượng đất, đá bị sụt lún khoảng 10.000 m3. Theo ông Nguyễn Văn Lãnh, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 (Cục Quản lý Đường bộ III), hiện đơn vị đã huy động lực lượng và các phương tiện máy móc, tiến hành đổ đá để lấp khu vực bị sụt lún, khắc phục sự cố. Dự kiến mất khoảng 4-5 ngày để cơ bản khắc phục sự cố và thông xe cho tuyến đường này. Ngoài ra, trên tuyến Quốc lộ 26, cũng xuất hiện 10 điểm sạt lở đất, trong những ngày tới nếu thời tiết tiếp tục có mưa to, các điểm sạt lở trên có nguy cơ lan rộng, gây mất an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Đơn vị đã khoanh vùng các điểm sạt lở, đặt biển cảnh báo; khuyến cáo người dân, phương tiện hạn chế đi lại trên tuyến đường Quốc lộ 26, đoạn qua đèo M’Drắk để bảo đảm an toàn.

 Lực lượng  cứu hộ  của huyện Ea Kar hỗ trợ di dời  người dân  ở xã Ea Ô  ra khỏi vùng bị ngập lụt.
Lực lượng cứu hộ của huyện Ea Kar hỗ trợ di dời người dân ở xã Ea Ô ra khỏi vùng bị ngập lụt.

Tại huyện Ea Kar, ngập lụt đã cô lập 200 hộ, với 800 khẩu tại buôn Ea Rớt và buôn Vân Kiều (xã Cư Elang); đổ sập 50 m tường rào của hộ dân tại thị trấn Ea Knốp. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 5 vị trí đường giao thông bị chia cắt, gồm: tuyến đường từ trung tâm xã Cư Prông đi thôn Hạ Long; tuyến đường xã Ea Ô đi xã Ea Păl; tuyến từ thôn 1A (xã Ea Ô) đi xã Cư Bông; tuyến từ thôn 7b (xã Ea Ô) đi xã Cư Elang; tuyến đường từ thôn Quảng Cư 2 đi thôn 23 (xã Cư Ni).

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar cho hay, huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng chốt chặn, phân làn giao thông tại các vị trí bị chia cắt. Bên cạnh đó đã di dời các hộ dân tại các thôn xã Cư Elang ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng thời hỗ trợ người dân bị ngập lụt di chuyển tài sản.

Cũng bị ảnh hưởng do mưa lũ, huyện Krông Bông đã có 7 nhà bị hư hỏng nặng và 30 nhà khác có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất; 63 nhà bị ngập sâu từ 0,4 - 1,0 m (tại các xã: Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Ea Trul); 468 hộ bị cô lập (379 hộ ở xã Hòa Tân, 89 hộ ở xã Ea Trul). Đặc biệt, trên địa bàn huyện xuất hiện 9 điểm bị ngập nước, khiến xe cộ và người dân không qua lại được; 4 điểm bị sạt lở (xã Hòa Lễ 3 điểm; Hòa Phong 1 điểm) làm ảnh hưởng đến 7 hộ dân. Hiện chính quyền địa phương đã cắt cử lực lượng túc trực để hướng dẫn, hỗ trợ người dân di chuyển và chủ động tổ chức di dời hộ dân ở các điểm bị sạt lở đến nơi an toàn.

Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) bị ngập nặng.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông) bị ngập nặng.

Hiện nước tại các sông, suối tiếp tục dâng, đến ngày 1-12 trên địa bàn đã có 516 ha cây trồng bị ngập (ngày 30-11 là 273 ha). Trước tình trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi cập nhật tình hình, sẵn sàng chủ động ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ…

Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT cho biết, trước tình hình mưa lớn, Sở đã chủ động phối hợp với các địa phương nắm bắt, theo dõi tình hình thường xuyên để có những chỉ đạo kịp thời. Hiện nay, các địa phương đã tổ chức di dời dân đến nơi an toàn; phối hợp với các cơ quan chức năng chốt chặn, phân làn giao thông tại các vị trí bị chia cắt. Tuy nhiên, nước ở các sông vẫn dâng cao, tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực dân cư, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng Thường trực tổ chức trực ban 24/24 giờ nghiêm túc; kịp thời gửi các bản tin cảnh báo đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố, Cơ quan thường trực phòng chống thiên tai cấp xã qua hệ thống SMS điều hành để chủ động nắm thông tin, chỉ đạo điều hành công tác ứng phó.

Ban Chỉ huy yêu cầu các chủ đập hồ chứa thủy lợi, thủy điện kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn hệ thống hồ chứa. Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương rà soát các vùng hạ du hồ chứa tập trung đông dân cư, có nguy cơ ngập lụt nhằm kịp thời cảnh báo cho nhân dân biết tình hình lũ, ngập lụt để chủ động ứng phó; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về mực nước, lưu lượng nước đến hồ và các bản tin dự báo để vận hành, điều tiết hồ chứa đúng quy trình đã được phê duyệt.

Tập trung ứng phó với mưa lũ trên địa bàn tỉnh

Trước tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai phương án ứng phó thiên tai đã được phê duyệt. Trong đó, cần tập trung theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, vùng ngập sâu khi mưa lớn, hạ du các hồ chứa xung yếu; sẵn sàng phương án sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, vùng ngập lụt sâu, chia cắtđể bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn cử lực lượng chốt chặn không cho người dân qua lại các cầu, ngầm tràn, sông, suối khi bị ngập; nghiêm cấm các phương tiện phà, đò hoạt động trên các sông, suối khi có mưa, lũ lớn; chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn, ngập lụt, chia cắt kéo dài nhiều ngày.

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tổ chức trực ban, chủ động ứng phó bão, mưa lũ đối với từng cơ quan, đơn vị.


Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.