Multimedia Đọc Báo in

Người trồng lan vào mùa Tết

07:09, 29/12/2020

Nhằm đáp ứng nhu cầu chơi hoa phong lan ngày Tết, người trồng lan trên địa bàn tỉnh đang tập trung theo dõi, chăm sóc vườn lan của mình để hoa nở đúng Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Do năm 2020 thời tiết diễn biến bất thường, người trồng lan gặp khá nhiều khó khăn trong chăm sóc hoa lan. Anh Trần Dũng Sỹ (buôn Ea Na, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) "bén duyên" với nghề trồng lan rừng hơn mười năm nay. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên anh phải căng bạt để hạn chế tác động của thời tiết đối với vườn lan hơn 500 m2 của gia đình.

Hiện tại, vườn lan của anh có khoảng 2.500 giò lan, chủ yếu là các loại lan rừng từ nhiều vùng miền trên cả nước. Trong đó, có khoảng 500 giò lan nghinh xuân được gia đình chăm sóc nhằm phục vụ Tết Tân Sửu 2021. Đặc điểm của nghinh xuân là thời gian từ khi nhú vòi đến khi nở hoa kéo dài từ 90 - 130 ngày và thời tiết càng nắng nóng thì hoa nở càng sớm và càng lạnh thì hoa nở muộn hơn so với bình quân chung. Do mùa Tết là mùa làm ăn của người trồng hoa nên anh Sỹ đã căng bạt quanh vườn để chắn gió, điều chỉnh hơi ẩm, nhiệt độ với các thiết bị phụ trợ nhưng vẫn phập phồng lo.

Giò nghinh xuân Buôn Đôn nở tại vườn của gia đình anh Trần Dũng Sỹ.
Giò nghinh xuân Buôn Đôn nở tại vườn của gia đình anh Trần Dũng Sỹ.

Những năm gần đây, người chơi lan chuyển hướng mua những giống lan mang tính đặc trưng riêng mỗi vùng miền nên giống lan nghinh xuân Buôn Đôn trở thành một trong những loài lan đang được nhiều người ưa chuộng bởi đặc tính riêng của nó. Cụ thể là nghinh xuân Buôn Đôn có nguồn gốc từ rừng khộp, môi trường sống khắc nghiệt (thời gian nắng nóng kéo dài 6 tháng/năm) nên lá ngắn, dày hơn, rễ dài và to hơn, lá gốc dễ rụng hơn so với các giống nghinh xuân khác. Tuy nhiên, điểm vượt  trội của nghinh xuân Buôn Đôn là vòi hoa ngắn nhưng số bông trên mỗi vòi hoa nhiều, màu hoa sắc nét, hương thơm đậm, lan tỏa. Và đặc biệt, nếu chăm bón đúng nhu cầu của cây, hoa sẽ nở đúng dịp Tết và bán với giá tương đối cao, dao động từ 800.000 đồng đến 5 triệu đồng/giò, tùy vào kích thước, số vòi hoa trên mỗi giò, độ bóng, cân đối của lá...

Với anh Dương Đình Hải (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng), trồng lan vừa kiếm thêm thu nhập cuối năm vừa thỏa niềm đam mê của mình. Anh Hải bắt đầu trồng lan từ hơn ba năm nay. Đến nay gia đình anh đã có vườn lan rộng 50 m2, với 300 giò lan gồm giả hạc, nghinh xuân, kiều vuông, đùi gà… Hiện tại, các giò lan nghinh xuân, kiều vuông, đùi gà đang nhú nụ, dự tính sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và bán với giá khoảng 3 triệu đồng/giò lan kiều vuông, 4 - 5 triệu đồng/giò lan đùi gà...

Anh Dương Đình Hải (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) bên giò lan kiều vuông của gia đình.
Anh Dương Đình Hải (xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) bên giò lan kiều vuông của gia đình.

Bên cạnh người trồng lan, một số người dân cũng nắm bắt thời cơ tìm kiếm nguồn hàng kinh doanh hoa lan mùa Tết để kiếm thêm thu nhập. Anh Lê Văn Tin (xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc) chia sẻ, vốn đầu tư hoa lan bán Tết nhiều hơn các loại hoa khác nhưng đây lại là mặt hàng dễ chăm sóc, bảo quản và phù hợp với sở thích của anh. Những năm trước anh nhập khoảng 800 giò lan hồ điệp các loại để cung cấp cho các mối hàng của mình và bán trực tiếp tại thị trấn Phước An. Tuy nhiên, năm nay thời tiết bất thường, cùng với đó là tác động của dịch bệnh, dự báo thị trường Tết khó khăn hơn trước nên anh chỉ đặt khoảng 600 giò tại mối hàng cũ ở tỉnh Lâm Đồng. Số lan trên sẽ được bán theo từng giò dao động trên dưới 200.000 đồng/giò hoặc ghép thành tiểu cảnh, chậu lớn 3 giò, 4 giò, 5 giò, 7 giò, 9 giò… theo nhu cầu của người mua.

Hoa lan có nét riêng là hoa nở sặc sỡ, hương thơm đặc trưng, lâu tàn và có thể trồng sau khi chơi Tết nên loại hoa này ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Ngoài các giống lan rừng đắt tiền, người tiêu dùng cũng có thể mua những loại lan công nghiệp có mùi thơm đặc trưng khác, hoa bền, lâu tàn và giá cả phải chăng hơn như: Cattleya, dendro, vũ nữ…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.