Multimedia Đọc Báo in

Tạm dừng sản xuất gạch đất sét nung: Còn những băn khoăn

07:59, 25/12/2020

Theo chỉ đạo của UBND huyện Krông Ana, đến 31-12-2020, tất cả cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục phải tạm dừng hoạt động. Quy định này được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chấp hành, song vẫn còn những băn khoăn.

Đầu tháng 12-2020, UBND huyện Krông Ana tổ chức đối thoại với các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung tại thị trấn Buôn Trấp và xã Ea Bông. Ngày 11-12-2020, UBND huyện có văn bản thông báo về việc tạm dừng hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục từ ngày 31-12-2020.

Qua tìm hiểu tại các cơ sở sản xuất trong diện phải tạm dừng theo thông báo của UBND huyện, tất cả đều sẵn sàng chấp hành quy định dừng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ cơ sở sản xuất gạch Tư Huệ (buôn Mblớt, xã Ea Bông) cho biết, năm 2007 cơ sở đi vào hoạt động sản xuất gạch bằng lò đốt thủ công truyền thống, sang năm 2008 chuyển đổi sang lò nung liên tục kiểu đứng. Mới đây, cơ sở tiếp nhận thông tin hết tháng 12-2020 sẽ phải tạm dừng hoạt động sản xuất gạch bằng lò đứng liên tục. Thời gian còn lại không nhiều, cơ sở sẽ sắp xếp hoạt động sản xuất, làm công tác tư tưởng với người lao động và sẵn sàng chấp hành theo chỉ đạo của địa phương.

Người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất gạch Hoàng Phúc (xã Ea Bông).
Người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất gạch Hoàng Phúc (xã Ea Bông).

Tương tự, cơ sở sản xuất gạch Hoàng Phúc (cũng ở buôn Mblớt, xã Ea Bông) vừa nhận được thông báo hết năm nay sẽ phải tạm dừng hoạt động sản xuất gạch. Từ năm 2008 đến nay, cơ sở đã đầu tư khoảng 6 tỷ đồng mua mặt bằng, nguồn đất sét, máy móc thiết bị để sản xuất gạch đất sét nung bằng công nghệ lò nung kiểu đứng liên tục. Với số vốn đầu tư này phải hoạt động 20 năm thì cơ sở mới thu hồi được vốn và có lãi. Tính đến cuối năm nay, mới tròn 12 năm đi vào hoạt động, hiện cơ sở vẫn còn nợ ngân hàng 2 tỷ đồng, giờ mà dừng sản xuất tại thời điểm này thì sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, cơ sở cũng nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tạm dừng hoạt động vào ngày 31-12-2020.

Nhận được thông báo về việc tạm dừng hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục vào cuối năm nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Krông Ana tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Mới đây, 12 cơ sở đã làm đơn gửi UBND huyện đề nghị xem xét, giải quyết. Theo các cơ sở này, năm 2020 tình hình dịch Covid-19 tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, dẫn tới phải thu hẹp sản xuất vì nhu cầu xây dựng giảm. Do đó, số lượng nguyên liệu mua theo chính sách hạ điền của huyện Krông Ana vào năm 2018 để sản xuất gạch, dự kiến sẽ được sử dụng hết trong năm 2020, nhưng đến nay còn tồn đọng khá nhiều. Việc tạm dừng hoạt động trong thời điểm này sẽ gây lãng phí lớn đến nguồn nguyên liệu. Theo tính toán ước lượng của cơ sở sản xuất gạch Tư Huệ và Hoàng Phúc, hiện hai cơ sở này còn khối lượng sét dự trữ rất lớn, nếu sản xuất liên tục khoảng 4 - 5 năm nữa mới hết.

Thêm vào đó, theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược pháp triển vật liệu xây dựng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 thì các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục vẫn có cơ hội để tiếp tục hoạt động. Cụ thể, tại phụ lục VII của Quyết định trên nêu rõ: “Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu, nhiên liệu và năng lượng phải đầu tư cải tạo, chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường hoặc buộc phải dừng sản xuất”.

Một khối lượng rất lớn gạch chưa nung tại cơ sở sản xuất gạch Tư Huệ (xã Ea Bông, huyện Cư M'gar).
Một khối lượng rất lớn gạch chưa nung tại cơ sở sản xuất gạch Tư Huệ (xã Ea Bông, huyện Krông Ana).

Hiện nay, một số cơ sở trên địa bàn huyện đang từng bước chuyển đổi sang máy móc công nghệ hiện đại, song quá trình chuyển đổi cần phải có thời gian và tốn kém rất nhiều chi phí để hoàn tất thủ tục. Do đó, việc gia hạn thêm thời gian để các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục là rất cần thiết, tạo cơ hội để các đơn vị sử dụng hết nguồn nguyên liệu còn tồn đọng, tránh lãng phí tài nguyên và giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Minh Giám, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết, việc tạm dừng hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục trên địa bàn nhằm thực hiện Quyết định số 35/2014/QĐ-UBND, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh và Kế hoạch số 38/KH-UBND, ngày 9-4-2018 của UBND huyện Krông Ana về lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò vòng, lò cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở phải tạm dừng cho đến khi có thông báo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện Quyết định số 1266/QĐ-TTg. Các cơ sở bị tạm dừng hoạt động lần này do không đủ các điều kiện theo quy định tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg. Trong các cuộc đối thoại, nhiều cơ sở có ý kiến gia hạn thời gian sản xuất, tuy nhiên việc cho phép gia hạn vượt thẩm quyền của UBND huyện. Do đó, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Xây dựng cho phép một số cơ sở còn tồn trữ lượng sét tiếp tục sản xuất gạch cho đến khi hết lượng sét, tránh lãng phí; đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở có thời gian sản xuất để thu hồi vốn đầu tư và trả nợ ngân hàng, giải quyết việc làm, đặc biệt lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Sớm ban hành quyết định mức hỗ trợ thực hiện tháo dỡ, chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung trên địa bàn huyện.

Huyện Krông Ana có 57 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò đứng liên tục phải dừng hoạt động từ 31-12-2020, tập trung chủ yếu ở thôn Quỳnh Tân 2, buôn Rung (thị trấn Buôn Trấp), buôn Mblớt, buôn Kô, buôn Riăng và buôn Sah (xã Ea Bông).

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.