Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phát triển mô hình cải tạo vườn tạp ở Krông Pắc

06:28, 05/01/2021

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Hội Nông dân, nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Krông Pắc đã cải tạo vườn tạp, tái canh cây cà phê, trồng thâm canh thêm một số cây ăn trái, cây ngắn ngày, phối hợp với chăn nuôi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo ông Trần Văn Thường, cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Pắc, việc cải tạo vườn tạp thực hiện đối với những vườn đang canh tác xen ghép nhiều loại cây trồng nhưng không được đầu tư chăm sóc đúng mức, giá trị thu nhập thấp.

Những vườn này sẽ được thiết kế lại, lựa chọn cây trồng chính, cây trồng xen phù hợp, cải tạo và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh (phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc phân bón, tưới tiêu...) để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng giá trị thu nhập.

Với những vườn đang canh tác những loại cây trồng trên đất bằng phẳng có giá trị kinh tế thấp, không ổn định và không có lợi thế cạnh tranh sẽ được chuyển đổi bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao, những cây trồng có lợi thế, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và nhu cầu của thị trường như cây ăn quả, cây ngắn ngày. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, khuyến khích ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Pắc thăm mô hình cải tạo vườn tạp của anh Hồ Ngọc Thông (xã Tân Tiến).
Cán bộ Hội Nông dân huyện Krông Pắc thăm mô hình cải tạo vườn tạp của anh Hồ Ngọc Thông (xã Tân Tiến).

Được sự vận động, tuyên truyền của Hội Nông dân huyện và các đơn vị liên quan, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Krông Pắc đã thực hiện cải tạo vườn tạp để nâng cao hiệu quả kinh tế. Gia đình anh Hồ Ngọc Thông (xã Tân Tiến) có 5 sào cà phê trồng từ năm 1996 nên đã già cỗi, kém năng suất. Nhận thấy lợi ích của việc cải tạo vườn, lại được sự hỗ trợ của Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện về giống, phân bón và kỹ thuật, anh Thông đã tiến hành cải tạo khu vườn của mình một cách bài bản. Sau khi nhổ hết những gốc cà phê già, anh trồng lại 500 cây cà phê giống TRS1, theo tính toán sau 2 năm sẽ cho thu bói; 35 cây mít, cùng một vài loài cây ăn trái khác. Tận dụng đất trống khi cà phê còn nhỏ, anh trồng bắp, đậu để cải tạo đất và cũng có thêm thu nhập trong gia đình. Tuy chỉ mới chuyển đổi khoảng 1 năm nhưng gia đình anh vẫn có thu nhập từ các loài cây ngắn ngày, hứa hẹn sẽ tăng thêm khi các cây ăn trái bắt đầu cho thu.

Năm 2020, Hội Nông dân huyện Krông Pắc đã phối hợp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cải tạo vườn tạp được 47 mô hình/11 cơ sở hội, với tổng diện tích 15,85 ha.

Anh Thông cho hay, nhận rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cây trồng nên anh đã học hỏi thêm kinh nghiệm của những chủ vườn khác và tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về trồng trọt để có thêm kiến thức. Từ năm 2018 đến nay, anh Thông chuyển đổi từng bước, trồng mới cà phê theo hướng thâm canh sản xuất cà phê sạch, ưu tiên bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu, bệnh có nguồn gốc sinh học.

Tương tự, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Krông Pắc đã lựa chọn phương án cải tạo vườn tạp để nâng cao chất lượng cây trồng. Như gia đình anh Y Yen Buôn Yă (buôn Kplang, xã Tân Tiến), trồng mới 510 cây cà phê và 25 cây sầu riêng. Tại xã Krông Búk đã thực hiện được mô hình cà phê tái canh tại thôn 4, buôn Kara với diện tích hơn 8 sào; trồng thuần bưởi da xanh tại thôn 15 trên diện tích 2 ha. Buôn Hằng 1C (xã Ea Uy) năm 2019 có trên 10 hộ được hỗ trợ cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái như mãng cầu Thái, dứa… là những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, lại dễ chăm sóc và cho thu hoạch sớm, năm 2020 tiếp tục có gần 20 hộ được hỗ trợ. Ông A Huyền, Trưởng buôn Hằng 1C là người được hỗ trợ để cải tạo vườn tạp cho biết, trong buôn còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo. Vì vậy, sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện để bà con tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông A Huyền (buôn Hằng 1C, ngoài cùng bên phải) chia sẻ về mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình
Ông A Huyền, buôn Hằng 1C (bìa phải) chia sẻ về mô hình cải tạo vườn tạp của gia đình.

Những mô hình cải tạo vườn tạp của nông dân đã góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 11 về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới của các xã và toàn huyện. Đến nay đã có 12/15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; trong đó có 10 xã được công nhận, 2 xã (Ea Uy, Krông Búk) đang chờ tỉnh công nhận. Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Krông Pắc sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cây giống, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện giúp nông dân cải tạo vườn, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mai Sao

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.