Multimedia Đọc Báo in

Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp: Tạo đà để nền kinh tế "cất cánh"

08:26, 26/01/2021

Nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư kinh doanh, hỗ trợ tạo đà cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn, tỉnh đã triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP, ngày 16-5-2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Đồng hành cùng DN

Sau khi Nghị quyết 35/NQ-CP ban hành, UBND tỉnh đã sớm triển khai xây dựng Chương trình hành động về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Từ đây, nhiều chương trình, đề án, dự án được thực hiện nhằm cụ thể hóa nghị quyết.

Để tạo điều kiện cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài các giải pháp hỗ trợ đầu tư, tỉnh quyết liệt triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm tối đa thời gian, công sức của DN khi làm việc với cơ quan công quyền nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả công việc. Đối với nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh đã triển khai hoạt động kết nối các tổ chức tín dụng hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh thông qua Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp” và triển khai hiệu quả chính sách tín dụng.

Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp năm 2020.
Khách hàng tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Ngày hội Khởi nghiệp năm 2020.

Hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương được đẩy mạnh nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ của DN trên địa bàn đến các thị trường trong và ngoài nước, góp phần mở rộng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hằng năm, tỉnh còn bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động đào tạo, tập huấn ngắn hạn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và quản trị DN. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp… đã được tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy mạnh.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu thành lập mới 8.450 DN với nhiều giải pháp chủ yếu, trong đó công tác hỗ trợ, nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm.

Để tiếp sức cho DN hội nhập thành công, UBND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan của Trung ương, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, đào tạo, tập huấn nhằm cung cấp, phổ biến tới DN trên địa bàn tỉnh các thông tin và hướng dẫn thực thi cam kết trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế (ASEAN, WTO, APEC, ASEM…); nâng cao trình độ, năng lực đàm phán, ký kết hợp đồng và xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics; cập nhật thông tin về những chuyển biến mới trong tình hình thế giới, khu vực, xu thế hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, đặc biệt dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Số lượng DN phát triển vượt bậc

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực và nỗ lực của các cấp, ngành, môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh tiếp tục được cải thiện tích cực, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng cao so với giai đoạn trước.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), trong giai đoạn 2015 - 2020 tổng số DN đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 4.930 DN với tổng vốn đăng ký khoảng 49.764 tỷ đồng, bình quân đạt 10 tỷ đồng/DN. Bên cạnh đó, còn có 874 DN ngoài tỉnh đăng ký hoạt động tại Đắk Lắk theo hình thức thành lập chi nhánh. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 10.374 DN hoạt động, tăng 1,93 lần về số lượng DN và 4,08 lần về quy mô vốn/DN so với năm 2015.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà (thứ hai từ trái sang) tham quan gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công.    
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà (thứ hai từ trái sang) tham quan gian trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công.

Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, không chỉ phát triển vượt bậc về số lượng DN mà trong những năm qua các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động và có những đóng góp tích cực cho ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh còn thu hút được hơn 273 dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký trên 28.710 tỷ đồng, trong đó nhiều dự án đi vào hoạt động đã đem lại hiệu quả, không chỉ đóng góp khá lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chia sẻ gánh nặng về nguồn lực đầu tư với Nhà nước. Nhờ đó, Đắk Lắk đã và đang trở thành “mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư.

Để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ và phát triển các thành phần kinh tế theo tinh thần của Nghị quyết 35, thời gian tới Sở KH-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên địa bàn tỉnh và phối hợp cùng các ngành nghiên cứu, tham mưu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để hỗ trợ các thành phần kinh tế phát triển.

Nghị quyết 35 có ý nghĩa quan trọng trong việc mở rộng và tăng sức cạnh tranh cho DN nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Chính vì vậy để hiệu quả của Nghị quyết được lan tỏa và phát huy hơn nữa, điều quan trọng là các sở, ban, ngành, địa phương và cả DN phải cùng hợp tác, đồng lòng phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển DN giai đoạn 2020 - 2025.

Khả Lê

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.