Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ thiên địch của sâu hại lúa

08:36, 25/02/2021

Hiện nay lúa nước vụ đông xuân đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, một số diện tích gieo sớm đang làm đòng.

Thời kỳ này, trên ruộng lúa xuất hiện nhiều đối tượng sâu hại phát sinh theo thời kỳ của cây lúa, cùng với đó rất nhiều loài thiên địch đang phát triển mạnh trên ruộng để khống chế sâu hại. Tuy nhiên, tại nhiều cánh đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn còn tình trạng nông dân phun thuốc hóa học để trừ sâu hại đồng thời cũng tiêu diệt một lượng lớn thiên địch giúp bảo vệ cây lúa.

Nhện Lycosa - một loài thiên địch có ích trên ruộng lúa. Ảnh sưu tầm
Nhện Lycosa - một loài thiên địch có ích trên ruộng lúa. Ảnh sưu tầm
Xu hướng sản xuất lúa hữu cơ đồng nghĩa với hoạt động sử dụng sinh vật có ích để tiêu diệt sinh vật gây hại, không sử dụng thuốc hóa học trên ruộng để vừa tạo các sản phẩm an toàn, chất lượng vừa bảo vệ lực lượng thiên địch trên ruộng, bảo vệ môi trường, môi sinh.

Thiên địch là những sinh vật có lợi, khống chế dịch hại bảo vệ cây lúa. Thiên địch trên đồng ruộng vụ đông xuân gồm loài ăn mồi (nhện, bọ rùa đỏ, bọ xít gai, bọ xít nước, bọ xít mù xanh, bọ cánh cứng ba khoang, muồm muỗm….) và loài ký sinh (ong, nấm và vi rút ký sinh). Trong mối quan hệ cân bằng sinh thái ruộng lúa, thiên địch là một mắt xích trong cấu trúc hỗ tương giữa các sinh vật cùng tồn tại theo thời gian. Để minh chứng về lợi ích của thiên địch trên ruộng lúa, nghiên cứu nhân nuôi thí điểm của chương trình IPM tại Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung cho thấy, một con nhện Lycosa trưởng thành có thể ăn thịt từ 5 - 15 con rầy nâu mỗi ngày; ngoài rầy nâu chúng còn tấn công nhiều loài sâu hại khác như bướm của các loài sâu thuộc bộ cánh phấn. Bọ rùa đỏ, cả con trưởng thành và con ấu trùng đều ăn rầy nâu trưởng thành, rầy cám (rầy non) và trứng rầy; đồng thời ăn cả sâu non của sâu cuốn lá nhỏ, cuốn lá lớn và sâu keo. Bọ xít mù xanh tìm kiếm trứng rầy ở bẹ lá và thân cây lúa, rồi dùng vòi hút khô trứng, mỗi con một ngày có thể “ăn” từ 7 - 10 trứng, hoặc 1 - 5 con rầy. Các loại ong ký sinh bay khắp ruộng lúa tìm kiếm ổ trứng của rầy nâu, rồi dùng vòi dẫn trứng chích và đẻ trứng của chúng vào bên trong trứng của rầy nâu, làm cho trứng của rầy nâu bị “ung” không nở ra rầy cám được. Một ngày một con ong có thể tiêu diệt 2 - 8 trứng rầy, cá biệt có loài diệt tới 15 - 30 trứng. Riêng ong đen kén trắng thì đẻ trứng vào thân sâu non, sau đó trứng ong sẽ nở ong non và phát triển các pha của ong trong thân của sâu, sâu non bị hút hết dinh dưỡng nên chết khô. Ngoài ra còn có nhiều loại nấm, vi rút ký sinh rầy và các loại sâu non trên ruộng để hạn chế dịch hại xảy ra trên lúa. Thiên địch trên ruộng lúa còn tạo ra được một cái “đệm” chống những đợt di trú lớn của dịch hại từ nơi khác đến. Hay nói cách khác, khi có sự ồ ạt di trú của một loại dịch hại đến ruộng lúa, thiên địch có sẵn ở ruộng sẽ “hấp thụ” lực lượng côn trùng gây hại, không để bùng phát dịch hại, bảo vệ năng suất và chất lượng sản phẩm lúa gạo của nông dân.

Anh Nguyễn Công Dũng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra  các loại thiên địch trên ruộng.
Anh Nguyễn Công Dũng (phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra các loại thiên địch trên ruộng.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn nông dân chưa nhận diện hết các loài sinh vật có ích trên ruộng lúa nên khi phát hiện sâu hại lúa như sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu keo, cuốn lá lớn... với mật độ chưa gây hại đã vội vàng phun thuốc hóa học tiêu diệt. Từ đó tiêu diệt luôn các loài thiên địch hiện hữu trên ruộng đang tìm kiếm sâu hại để tiêu diệt, giúp bảo vệ mùa màng.

Cần bảo vệ lực lượng thiên địch trên ruộng bằng nhiều biện pháp hữu hiệu mà trước tiên phải hạn chế tối đa và đi đến không sử dụng thuốc hóa học trên ruộng lúa. Để hạn chế sử dụng thuốc hóa học cần quan tâm đến chương trình IPM, ICM trên lúa; cụ thể là sử dụng các giống lúa mới để kháng sâu bệnh hại, cung cấp dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu sinh lý của cây lúa qua từng thời kỳ sinh trưởng để cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe. Nếu buộc phải dùng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại thì phải ưu tiên thuốc sinh học không ảnh hưởng đến thiên địch, để tận dụng những thiên địch tiếp tục khống chế dịch hại trên đồng ruộng.

Cẩm Lai

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.