Multimedia Đọc Báo in

Kết nối tiêu thụ nông sản: Nhu cầu bức thiết giữa đô thị và nông thôn

09:10, 28/02/2021

Từ nhiều năm qua, thị trường tiêu dùng đã khá quen với những thông tin kêu gọi “giải cứu nông sản” do cung vượt cầu, hoặc một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Trong khi thực tế cho thấy, nhu cầu tiêu thụ nông sản ở các đô thị luôn ở mức cao. Câu chuyện này đang đặt ra cho các nhà quản lý bài toán: kết nối cung - cầu nông sản giữa hai vùng đô thị và nông thôn.

Đô thị cần thực phẩm mỗi ngày!

Đa phần cửa hàng kinh doanh lương thực, thực phẩm, rau quả sạch đều nhìn nhận nhu cầu tiêu thụ rau quả, thực phẩm tươi sống mỗi ngày rất lớn. Dù giá cả dao động đến mức nào, lượng lớn người dân sinh sống tại các khu đô thị cũng phải chấp nhận, tiêu dùng thực phẩm cho mỗi bữa ăn. Do đó, khái niệm dư thừa nông sản khi đưa về các đô thị là không có.

Vấn đề cốt yếu với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chỉ là khả năng cung ứng, vận chuyển nông sản về các địa bàn đô thị như thế nào. Một khi việc vận chuyển đó là thông suốt, dễ dàng, hàng hóa sẽ nhanh chóng lan tỏa tận hang cùng ngõ hẻm của các đô thị, với đủ các loại mức giá khác nhau, tùy người tiêu dùng lựa chọn. Thậm chí có một số mặt hàng nông sản, khi đến tay người dân đô thị, đã có giá thành gấp 10 lần so với giá trên đồng ruộng, chỉ là tính chất đặc biệt, hoàn cảnh đặc biệt của loại nông sản đó ra sao mà thôi.

 

Đường Hồ Chí Minh đã góp phần giúp Đắk Lắk dễ dàng thông thương với các địa phương. (Trong ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk.  
Đường Hồ Chí Minh đã góp phần giúp Đắk Lắk dễ dàng thông thương với các địa phương. (Trong ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk. Ảnh: Hoàng Tuyết)
“Đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của ngay chính người dân đô thị trên địa bàn, giao lưu với nhu cầu tiêu dùng nông sản của các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… thực sự là câu chuyện xúc tiến đầu tư, vận động hợp tác hiệu quả mà địa phương phải đặt ra”.
Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Đắk Lắk).

Do đó, thông tin về hoạt động “giải cứu” nông sản lan tỏa trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, theo giới kinh doanh, chỉ là động thái nhất thời, và đánh vào tâm lý người mua “giá rẻ”. Căn nguyên vấn đề, chỉ là do khâu lưu thông hàng hóa (tùy vào thời điểm) có thể bị hạn chế, dẫn đến khó vận chuyển vào ra. Có điều, cũng xuất hiện hiện tượng thừa cơ hội, tạo thông tin cần thiết để đánh động vào tâm lý tiêu dùng, gây những cơn sốt “ảo” về mặt hàng nào đó hay tâm lý “cứu trợ nông dân”. Giá bán “giải cứu” cho các loại nông sản này được xem là rẻ, thậm chí rất rẻ, nhưng chất lượng liệu có tương xứng hay không còn là bài toán suy ngẫm. Song, chắc chắn một điều, nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các đô thị luôn tồn tại, và đây là lý do để mỗi khu vực dân cư không cần phải có động tác “giải cứu” mới tiêu thụ được nông sản từ đồng ruộng.

Do đó, cần phải nhìn nhận, việc kết nối cung ứng nông sản cho các đô thị phải là bài toán thường xuyên, thường trực, không thể chỉ xem là sự cố vào các thời điểm đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh…

Cần một lộ trình logistics đồng bộ

Rõ ràng, việc tạo dựng quan hệ kết nối cung cầu giữa đô thị và nông thôn là cơ sở quan trọng để giải quyết bài toán thực phẩm cho các thành phố lớn. Ông Trần Trọng Lưu, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Đắk Lắk) nhìn nhận: Câu chuyện cung ứng nông sản cho các đô thị lớn vì thế đã được giới kinh doanh địa phương và cơ quan quản lý chú trọng từ lâu. Những năm gần đây, cùng với hiện trạng giao thương ngày càng thuận tiện, đường dây logistics nông sản từ Đắk Lắk đi các nơi đã hình thành chặt chẽ hơn. Những loại thổ sản đặc trưng như cà phê, hạt điều, ca cao, sầu riêng từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đều có hẳn những đường xe vận tải liên tục và giá cạnh tranh. Do đó, không có chuyện nông sản từ Tây Nguyên đưa về các tỉnh thành, đô thị lớn bị trở ngại.

Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ góp phần kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng.   (Trong ảnh: Đường liên huyện Ea H'leo - Ea Súp đang được thi công
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ sẽ góp phần kết nối tiêu thụ nông sản giữa các vùng. (Trong ảnh: Đường liên huyện Ea H'leo - Ea Súp đang được thi công. Ảnh: Hoàng Tuyết)

Ngay với đô thị Buôn Ma Thuột, trong những lúc cao điểm như dịp Tết, tự thân lượng nông sản ở địa bàn đã đủ cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của đa số người dân địa phương. Đặc biệt với sự hiện diện của các siêu thị, cơ sở kinh doanh đầu mối, đưa nông sản “ngược” từ đồng bằng sông Cửu Long lên, chuyển từ Lâm Đồng, Gia Lai về, nhiều loại hàng hóa đặc thù cũng đã được đáp ứng tốt tại địa bàn.

“Hàng nhiều mà sức mua bị giảm mới là vấn đề đáng quan tâm ở thị trường Buôn Ma Thuột hiện nay. Điều đó đòi hỏi kết nối thương mại, giao dịch đầu mối giữa các cơ sở kinh doanh phải tốt hơn, chặt chẽ hợp lý hơn nữa”, ông Lưu chia sẻ.

Theo kịch bản phát triển của Sở Công thương Đắk Lắk, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung chuyên sâu hơn vào quản lý, tăng cường mạng lưới kết nối hàng hóa, nông sản tại địa bàn đi các hướng, hình thành chuỗi hoạt động logistics chuyên môn hóa hơn nữa, từ các chợ đầu mối đến tận các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ trong cụm dân cư.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.