Multimedia Đọc Báo in

Lao đao với vườn "cây bạc tỷ"

08:02, 16/04/2021

Khoảng 15 năm về trước, hàng chục hộ dân ở huyện M’Drắk đua nhau trồng cây dó bầu để tạo trầm hương, nuôi hy vọng sẽ có nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, mãi đến nay cây vẫn không tạo trầm nên đã bị phá bỏ hàng loạt, số ít còn lại sống lay lắt, bán không ai mua.

Trầm hương và kỳ nam đều là sản phẩm đặc biệt được hình thành từ cây dó bầu. Cây dó bầu sau khi bị tổn thương do các tác nhân lý - hóa - sinh sẽ sản sinh chất dầu bao bọc vết thương đó. Sau thời gian dài và chịu tác động của nhiều yếu tố tự nhiên khác, chất dầu đó hình thành trầm hương. Quá trình hình thành kỳ nam cũng vậy, nhưng với lượng tinh dầu nhiều hơn và có các tính chất đặc biệt mà trầm chưa đạt đến. Trầm hương và kỳ nam Việt Nam được thị trường thế giới ưa chuộng, mua với giá rất cao, mỗi kilogam trầm hương có giá vài triệu đến vài chục triệu đồng, còn kỳ nam thường đắt gấp 10 - 20 lần.

Vườn dó bầu diện tích 2 ha của gia đình anh Hồ Kim Biên ở xã Cư Króa chỉ còn sót lại vài cây.
Vườn dó bầu diện tích 2 ha của gia đình anh Hồ Kim Biên ở xã Cư Króa chỉ còn sót lại vài cây.

Khoảng đầu những năm 2000, người dân cả nước rộ lên tin đồn phu rừng "trúng quả" trầm hương, kỳ nam, chỉ sau một đêm đã thành tỷ phú. Tại khu vực các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa… người ta đổ xô vào rừng ráo riết tìm trầm. Khi sản phẩm tự nhiên dần cạn kiệt, mà việc đi rừng lại cực kỳ vất vả, nguy hiểm, nhiều người chuyển sang nhân giống, trồng cây dó bầu để tạo trầm, trong đó có hàng chục hộ ở các xã Cư Króa, Ea Riêng, Krông Á, Cư San… (huyện M’Drắk). Lúc bấy giờ, dó bầu được kỳ vọng là cây xóa đói giảm nghèo, cây làm giàu cho người dân.

“Đúc kết kinh nghiệm từng làm "phu trầm" và trồng dó bầu, tôi có thể khẳng định rằng: Trầm tự nhiên trong rừng thường là ở những cây dó bầu cả trăm năm tuổi, bị gãy đổ, hoặc thương tích khác, sau đó kiến vào làm tổ, cây tiết ra nhựa để bảo vệ vết thương, lâu ngày tinh dầu kết thành trầm, kỳ nam. Cả nghìn cây mới tìm được một cây có trầm, vì vậy, không dễ gì cứ trồng được dăm bảy năm rồi chích thuốc mà tạo được trầm”.
Ông Hồ Kim Biên, ở thôn 6, xã Cư Króa

Ông Hồ Kim Biên, người dân thôn 6, xã Cư Króa cho biết, trước đây nghe nhiều người đi rừng kháo nhau đào được trầm hương, kỳ nam bán tiền tỷ thì ham lắm. Năm 2001, ông cũng theo một số người vào rừng sâu tìm trầm, mỗi lần đi rừng cả tháng ròng mới tìm được một vài cây dó bầu có trầm, song số lượng rất ít. Thấy nghề "phu trầm" vất vả, năm 2004 ông Biên tìm mua 2.000 cây dó bầu giống về trồng trên diện tích 2 ha đất đồi, với mong muốn tạo được trầm sẽ thu về tiền tỷ. Tuy nhiên, sau nhiều năm ông mày mò làm đủ mọi cách vẫn không có cây nào tạo được trầm. Do dùng các biện pháp “quá đà” để tạo trầm như: khoan, cắt, bơm thuốc kích thích, axit, mật ong… vào thân cây, nên chỉ vài năm sau đó, hàng loạt cây dó bầu đã bị chết đứng. Giờ đây, cả vườn dó bầu chỉ còn lại 8 cây sống lay lắt. Bao nhiêu tiền bạc, công sức đổ dồn vào vườn “cây bạc tỷ”, giờ coi như mất trắng.

Năm 2005, gia đình anh Phan Văn Mẫn ở thôn 6, xã Cư Króa cũng bán 5 sào rẫy để đầu tư mua 600 cây dó bầu giống về trồng trên diện tích 8 sào. Thế nhưng, khi cây bắt đầu bén rễ thì sâu bệnh hoành hành. Cứ 3 ngày anh phải phun thuốc một lần, nếu không cây sẽ trụi lá và chết. Cố gắng cầm cự đến năm thứ 7 thì anh tiến hành khoan mỗi thân cây 2 lỗ rồi mua hóa chất về bơm vào trong, chờ đến 3 - 4 năm sau vẫn không thấy hiệu quả. Năm 2016, anh phá bỏ vườn dó bầu bán làm nguyên liệu giấy, nhưng doanh nghiệp không chịu mua vì gỗ loại cây này xốp, không có lõi, giá trị sử dụng thấp. Anh Mẫn tính toán, chi phí đầu tư cho vườn dó bầu mất hơn 300 triệu đồng, chưa kể công sức của hai vợ chồng. Nếu với diện tích đất, cùng số vốn đầu tư như vậy mà trước đây trồng cây khác như cao su, keo… thì giờ đây không phải lâm vào cảnh nợ nần.

Anh Phan Văn Mẫn (bìa trái) ở thôn 6, xã Cư Króa (huyện M'Drắk) trao đổi về thất bại trong trồng cây dó bầu.
Anh Phan Văn Mẫn (bìa trái) ở thôn 6, xã Cư Króa (huyện M'Drắk) trao đổi về thất bại trong trồng cây dó bầu.

Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện M’Drắk chia sẻ: Cây dó bầu được người dân trồng tự phát tại địa phương từ nhiều năm trước. Qua đánh giá về chuyên môn cũng như thực tế có thể khẳng định, đây là loại cây trồng không hiệu quả, từ trước đến nay chưa người nào trồng dó bầu tạo được trầm hương. Do giá trị sử dụng thua kém những loại cây trồng khác nên việc trồng dó bầu cũng không mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, thậm chí có nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Nguyên nhân của việc này là do trước đây nhận thức của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa thấu đáo, không theo quy hoạch của địa phương; sau thời gian dài chăm sóc dó bầu vừa tốn kém chi phí sản xuất, lại không có hiệu quả kinh tế, nên hầu hết các hộ đã phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Trước thực trạng trên, UBND huyện M’Drắk đã chỉ đạo ngành chức năng sớm có biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng để người dân chạy đua trồng dó bầu, thay vào đó là nhân rộng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện như trồng vải, mít, cam, keo… “Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để người dân ứng dụng; triển khai các chương trình, dự án cấp cây, con giống mới, có năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng cho các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân không phát triển cây dó bầu” - ông Nguyễn Thế Thập chia sẻ.

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.