Multimedia Đọc Báo in

Đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại

17:59, 06/07/2021

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định 984/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 82-KL/TW, ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Theo đó, mục tiêu chính là hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp gắn với việc quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả đất, rừng được Nhà nước giao, cho thuê. Đến năm 2025, 100% công ty nông, lâm nghiệp được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính, đất đai và kinh doanh có lãi; đạt được tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế.

Để đạt mục tiêu trên, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh việc sắp xếp, đổi mới, phát triển hiệu quả công ty nông, lâm nghiệp. Trên cơ sở kết quả sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30, cần nghiêm túc đánh giá những mặt còn hạn chế, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm rút ra. Từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện việc sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp đến năm 2025; tập trung xử lý kịp thời, hiệu quả, dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, phức tạp.

ảnh
Trồng rừng ở huyện Krông Bông. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, các địa phương tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Đặc biệt là cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp; cơ chế, chính sách phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp.

Đồng thời, tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, rừng tại các công ty nông, lâm nghiệp. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính; rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại trên cơ sở xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất theo từng loại đất, hình thức, thời hạn sử dụng đất.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng pháp luật, hiệu quả diện tích đất giao về địa phương, không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm, vi phạm pháp luật. Tập đoàn, tổng công ty, công ty nông, lâm nghiệp phải rà soát phương án sử dụng đất đai được giao, được thuê, duy trì cơ chế khoán đối với hộ gia đình, cộng đồng đến hết chu kỳ khoán theo quy định pháp luật.

Các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Các công ty sau sắp xếp phải có phương án đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, gắn trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp, đặc biệt là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát triển vốn Nhà nước, tinh gọn bộ máy…

Minh Thuận


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.