Trung tâm dạy nghề huyện - “tiến thoái lưỡng nan”!
Hàng trăm tỷ đồng gần như bỏ không, hoạt động cầm chừng, ít người theo học, kinh phí đào tạo phập phù, nhỏ giọt… là thực trạng chung của các trung tâm dạy nghề huyện trong tỉnh. Bài toán nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề huyện và có tiếp tục xây dựng mỗi huyện một trung tâm như Đề án 1956 đang thiếu lời giải và khiến các cơ quan chức năng lúng túng…
Cơ sở khang trang nhưng... “đìu hiu chợ chiều”
Đến Trung tâm dạy nghề huyện Krông Năng không khỏi chạnh lòng khi nhìn cơ ngơi to đẹp đầu tư cả chục tỷ đồng mà vắng vẻ đìu hiu. Giám đốc Trung tâm Hứa Văn Vinh phân trần: “Mặc dù được thành lập từ năm 2009, nhưng đến cuối năm 2011 Trung tâm mới chính thức chuyển đến cơ sở mới và đi vào hoạt động, từ đầu năm đến nay mới được cấp kinh phí để mở 1 lớp may. Trung tâm đang chờ chỉ tiêu và vốn cấp, nhưng giờ đến cuối năm chắc cũng chỉ mở chừng 3 đến 5 lớp nữa thôi”. Trung tâm được xây khang trang, quy mô lớn trên diện tích gần 1ha với một dãy nhà hành chính, 6 phòng học lý thuyết, 4 phòng thực hành đầy đủ máy móc thiết bị giảng dạy: lớp sửa chữa xe máy, máy nổ có 4 máy nổ, 2 xe máy; lớp may có 30 máy may dân dụng và công nghiệp; lớp tin học có 21 máy vi tính… Nhưng ngoài 30 chiếc máy may thì tất cả vẫn đang “đắp chiếu”. Cơ sở hoành tráng nhưng thiếu nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá cho học viên ở xa, nên lớp may hiện tại vẫn chỉ toàn học viên của xã Ea Hồ, cách Trung tâm khoảng 3 km, còn học viên các xã vùng xa như Ea Tân, Ea Tam… muốn học 1 trong 4 nghề trên chắc khó có cơ hội.
Lớp may duy nhất tại Trung tâm dạy nghề Krông Năng trong 6 tháng đầu năm 2012. |
Cũng chung tình trạng đó, Trung tâm dạy nghề huyện Krông Buk cả năm 2011 mở được 6 lớp (3 lớp chăn nuôi thú y, 2 lớp sửa chữa máy nổ và 1 lớp may. Tuy nhiên, cả 6 lớp đều được tổ chức dạy tại các thôn, buôn và giáo viên đều hợp đồng với những nghệ nhân, người có chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp. Trong khi đó trung tâm dạy nghề của huyện to đẹp, khang trang vừa được xây dựng năm 2010 thì vắng ngắt. Cả Trung tâm chỉ có 3 giáo viên nghề biên chế chính thức nhưng không được… dạy nghề và đều làm việc văn phòng: giáo viên tin học thì làm giáo vụ; giáo viên nghề điện thì quản lý cơ sở vật chất kiêm thủ kho và một giáo viên chuyên ngành công nghệ thông tin lại phụ trách tuyển sinh. Bởi, theo Giám đốc Trung tâm Lê Hữu Phước, Trung tâm không có cán bộ mà những nghề như tin học, điện không có người học và khó mở lớp nên các thầy cô phải làm việc của văn phòng.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh vừa qua đã có đợt khảo sát ở một số Trung tâm dạy nghề như Ea Kar, Krông Ana… và đều có kết luận là đầu tư lớn nhưng hiệu quả hoạt động thấp…
Lời giải nào cho bài toán Trung tâm dạy nghề huyện?
Theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, mỗi huyện trong tỉnh được hỗ trợ thành lập một trung tâm dạy nghề, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, bảo đảm phục vụ nhu cầu dạy và học với tổng kinh phí từ 9 đến 12,5 tỷ đồng để đáp ứng nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng dạy nghề cho lao động nông thôn. Tính đến hết tháng 6 năm 2012, toàn tỉnh có 45 cơ sở dạy nghề, trong đó 12 trung tâm dạy nghề ở các huyện đã được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề. Theo Đề án 1956, đến năm 2015 cả tỉnh sẽ có 46 trung tâm đào tạo nghề, mỗi huyện có một trung tâm dạy nghề. Hiện tại đã xây dựng 9 trung tâm đều rơi vào cảnh “đìu hiu, chợ chiều” vì kinh phí cho dạy nghề thường chậm và thiếu. Năm 2012 kinh phí được bố trí 5,075 tỷ đồng (kinh phí từ năm 2011 chuyển sang là 575 triệu đồng) để mở 43 lớp dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn, nhưng đến giữa tháng 5-2012 mới triển khai thực hiện.
Nhìn nhận về vấn đề này, các thành viên của HĐND tỉnh trong buổi làm việc với Sở LĐTB&XH giám sát về công tác triển khai, thực hiện Nghị quyết 24 của HĐND tỉnh (Chương trình giải quyết việc làm tỉnh đến năm 2010) đã nêu ra nhiều sự bất hợp lý. Theo ông Nguyễn Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Lak thực trạng ở địa phương như huyện Lak xây dựng một trung tâm dạy nghề thì thật lãng phí vì khó tổ chức được lớp thường xuyên. Bà Bùi Thị Kim Nga, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc xây dựng cơ sở dạy nghề là cần thiết, tuy nhiên không nhất thiết huyện nào cũng phải thành lập trung tâm dạy nghề mà phụ thuộc vào nhu cầu, tình hình thực tế. Lãnh đạo một số huyện cũng cho rằng chưa cần thiết xây dựng trung tâm dạy nghề tại huyện mình. Ông Võ Quang Tuyên, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh đề nghị Sở LĐ-TB&XH cần xem xét và cân nhắc lại việc tiếp tục xây dựng mỗi huyện một trung tâm dạy nghề, khi trên thực tế các trung tâm đã được xây dựng đều trong tình trạng thiếu giáo viên, thiếu biên chế và thiếu cả… học viên. Có thể linh hoạt mở 1 trung tâm dạy nghề cho cả cụm huyện, trường hợp huyện nào đã có cơ sở dạy nghề thì nên tập trung bồi dưỡng trình độ, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; nâng cấp cơ sở sẵn có để nâng cao chất lượng dạy nghề, tuyển sinh cả các huyện lân cận. Như vậy, vừa tránh được việc lãng phí vốn xây dựng cơ sở vật chất trong điều kiện khó khăn về kinh phí vừa nâng cao chất lượng đào tạo cho lao động nông thôn.
Minh Quân
Ý kiến bạn đọc