Những bất cập trong xử lý chất thải y tế (kỳ cuối)
Kỳ cuối: Mấu chốt là giải quyết vấn đề kinh phí
Việc ứng dụng công nghệ cao vào xử lý chất thải đang là một bài toán khó đối với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, bởi nó không chỉ đòi hỏi sự đầu tư ban đầu lớn mà còn cần chi phí và nhân lực để vận hành, duy tu, bảo dưỡng hệ thống trong khi những khoản chi phí này không hề nhỏ…
“Đau đầu” chuyện kinh phí, nhân lực
Phải nói rằng, việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế cực kỳ tốn kém, đồng thời quá trình vận hành những hệ thống này lại “ngốn” quá nhiều nhiên liệu khiến các bệnh viện “dè dặt” trong việc xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến. Trong khi đó, những bệnh viện đã có hệ thống xử lý chất thải khá hiện đại như Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại phải mất một khoản chi phí khá lớn để vận hành hệ thống này. Theo tính toán sơ bộ của ông Trần Công Minh, Tổ trưởng Tổ vệ sinh ngoại cảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Chỉ tính riêng chi phí vận hành lò đốt chất thải rắn y tế của Bệnh viện, mỗi ngày với 3 lần vận hành lò đốt, Bệnh viện đã tiêu tốn khoảng 1,5 triệu đồng. Như vậy, trung bình mỗi tháng bệnh viện phải mất một khoản chi tương đương 45 triệu đồng, ấy là chưa kể đến nhân công vận hành lò đốt và xử lý chất thải sau khi đốt”. Quả thực, trong bối cảnh hiện nay khi mà cơ sở y tế không được cấp kinh phí cho việc xử lý chất thải y tế thì đây rõ ràng là một áp lực đối với các đơn vị nhất là những đơn vị ở tuyến huyện, tuyến xã khi tiếp cận và ứng dụng với công nghệ mới trong xử lý rác thải dù yêu cầu thực tiễn là rất cấp thiết.
Tổ trưởng Tổ vệ sinh ngoại cảnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Công Minh vận hành tạo hơi nóng cho lò hấp chất thải rắn y tế. |
Trên thực tế, để hạn chế tác hại của chất thải y tế đối với con người và môi trường, ngành Y tế đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và lò đốt rác tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn lớn là thiếu vốn đầu tư cho công nghệ thì một vấn đề nan giải không kém nữa là kinh phí và nhân lực chuyên môn để vận hành, duy tu bảo dưỡng các hệ thống sau khi được đầu tư. Hiện nay, đa số các đơn vị đang “tận dụng” cán bộ hành chính, nhân viên bảo vệ, để vận hành các hệ thống xử lý chất thải y tế vì không có biên chế chuyên trách. Không những thế, kinh phí thường xuyên để vận hành hệ thống xử lý chất thải cũng chưa được đưa vào định mức kinh phí cấp cho đầu giường bệnh, mà hầu hết đều do bệnh viện tự cân đối các khoản chi trong kinh phí khám chữa bệnh để xử lý chất thải, vì thế việc xử lý không đạt chuẩn cũng là điều dễ hiểu. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Sở Y tế: “Khi đề cập đến hệ thống xử lý chất thải y tế, vấn đề chúng ta thấy chỉ đơn giản là cái lò đốt, nhưng bản chất của nó thì hết sức phức tạp. Bởi rõ ràng, khi hệ thống vận hành, ngoài con người để điều khiển máy móc còn phải tiêu tốn năng lượng, mà muốn có năng lượng thì Nhà nước phải cấp tiền. Thế nhưng, trên thực tế thời gian qua kinh phí để đầu tư, duy tu bảo dưỡng cho vấn đề này lại không có. Có thể hình dung một cách cụ thể, trước đây cũng chừng đó suất chi thường xuyên cho bệnh viện thì công tác xử lý chất thải y tế chỉ là đào cái hố đổ chất thải xuống đó là hết, còn hiện nay áp dụng quy trình xử lý chất thải bằng công nghệ cao mà vẫn chỉ có chừng ấy tiền. Nhưng mâu thuẫn ở chỗ, dù không có tiền các đơn vị vẫn phải gồng mình lên để thực hiện đúng các quy định về xử lý chất thải y tế, vì nếu không thực hiện đúng sẽ bị ngành chức năng xử phạt”.
Cần sự quyết tâm từ nhiều phía
Kết quả kiểm tra tại 20 bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường) thực hiện năm 2013 cho thấy: 14/20 bệnh viện chưa có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; 6/20 bệnh viện không thực hiện báo cáo tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại tại cơ sở; 3/20 bệnh viện lưu giữ chất thải nguy hại không đúng thời gian quy định. Ngoài ra, còn một số bệnh viện chưa thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường, chưa xây dựng đề án bảo vệ môi trường, thiếu cam kết bảo vệ môi trường; ở một vài nơi rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tuy được thu gom, phân loại theo quy trình song chưa hoàn thiện, có hệ thống xử lý nước thải nhưng quy trình xử lý chưa đúng quy định… Kết quả này càng cho thấy rõ hơn những bất cập mà ngành Y tế tỉnh đang phải đối mặt trong công tác xử lý chất thải y tế.
Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian qua, tỉnh đã có sự quan tâm đến vấn đề này. Bằng chứng là trong những năm trở lại đây, tỉnh đã đầu tư không chỉ hệ thống xử lý chất thải rắn mà còn đầu tư cả hệ thống xử lý chất thải lỏng cho các cơ sở y tế, chẳng hạn như hệ thống xử lý chất thải lỏng của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư trị giá 13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã yêu cầu các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý chất thải y tế tại các cơ sở y tế để kịp thời uốn nắn những hoạt động chưa đúng quy định đề ra. Song, nhìn ở khía cạnh khác, tỉnh cần phải xây dựng lộ trình cụ thể trong việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, cũng như có giải pháp dài hơi trong việc hỗ trợ các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đúng quy định, bảo đảm môi trường. Trao đổi về vấn đề này Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Sở Y tế cho rằng: “Cách đây vài năm, tỉnh đã có một đề án đề cập đến việc xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tập trung trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì đến nay đề án này vẫn chưa được khởi động. Trong khi đó, TP. Buôn Ma Thuột là nơi tập trung rất nhiều cơ sở y tế cả công lập và tư nhân, do đó lượng chất thải rắn y tế phát sinh mỗi ngày là rất lớn. Nếu có một hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tập trung cho toàn thành phố không chỉ giúp tỉnh giảm chi phí đầu tư hệ thống lò đốt đơn lẻ ở từng đơn vị mà còn giúp các cơ sở y tế giảm được chi phí vận hành lò đốt, giảm được lực lượng nhân công. Hơn nữa, khi thành phố có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tập trung, ngoài việc xử lý chất thải rắn y tế cho các đơn vị trên địa bàn còn có thể hỗ trợ một số địa phương lân cận như Krông Pak, Cư M’gar, Buôn Đôn… trong vấn đề này. Bên cạnh đó, vấn đề thứ 2 cần được tỉnh quan tâm, đó là việc đào tạo nhân lực phục vụ vận hành hệ thống xử lý chất thải cho các cơ sở y tế, bởi khi có hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ cao kết hợp với nguồn nhân lực vận hành hệ thống được đào tạo bài bản, đúng chuyên môn thì công tác xử lý chất thải sẽ đạt được hiệu quả…”.
Như vậy, để đạt được mục tiêu xử lý toàn bộ chất thải y tế, bảo đảm không ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái, ngoài sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Khoa học - Công nghệ và trước hết là sự quan tâm và quyết tâm của các cơ sở y tế. Ý thức của con người và sự đầu tư hợp lý về công nghệ sẽ giải quyết được bài toán về xử lý chất thải y tế hiện nay.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc