Đôi điều về văn hóa Facebook
Tuy nhiên, một số cá nhân đã quá lạm dụng facebook, “ăn ngủ cùng facebook”, sáng sớm thức dậy đã buông một status (trạng thái) “chán đời”, trưa là loạt ảnh “tự sướng”, tối đến lại tung lên mạng nỗi bực dọc với bạn bè, đồng nghiệp…, một ngày không lên face đăng ảnh “câu like” là thấy thiếu… Càng nhiều like (thích) càng vui mà họ quên facebook không có nút dislike (không thích). Nút like có rất nhiều ý nghĩa: thích, để đáp lễ, thông báo đã xem…, có người like xong rồi để đó nhưng cũng có người like nhiệt tình nhưng lại nói xấu sau lưng... Cũng có không ít người dùng facebook để nói xấu bạn bè, đồng nghiệp với những ngôn từ phản cảm, chửi bới, văng tục, viết tắt, viết tiếng lóng… kỳ cục, khó hiểu, đăng những hình ảnh phản cảm của người mình ghét, hoặc bêu xấu, ghép ảnh chân dung bạn bè lên người mẫu khỏa thân để trêu đùa, tưởng như vô hại, chỉ để vui cười, nhưng vô tình đã đẩy một số người vào bế tắc dẫn đến tự vẫn…!
Trường hợp của em N.T.C.L ở Hà Nội hồi tháng 6-2013 là một ví dụ, sau khi bạn bè ghép chân dung mình với người mẫu hở cổ đăng lên trang cá nhân của lớp, em đã uống thuốc diệt cỏ tự vẫn trước ngày thi Đại học, hay em P.U.N ở Đà Nẵng sau khi bị một nhóm học sinh, sinh viên buông lời nhục mạ sai sự thật để bêu xấu trên trang cá nhân “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành” đầu năm 2013 đã uống thuốc an thần tự tử, may mà gia đình phát hiện, đưa em đi cấp cứu kịp thời… Những trò đùa tưởng như vô hại trên facebook nhưng đã làm nạn nhân cảm thấy danh dự bị xúc phạm, trong một phút bồng bột thiếu suy nghĩ đã tìm đến con đường tự vẫn. Những sự việc trên đã được các cơ quan ngôn luận dấy lên hồi chuông cảnh báo về văn hóa sử dụng facebook từ lâu.
Với facebook, chỉ cần bạn đăng một trạng thái, lời bình là tất cả bạn bè trong danh sách, người theo dõi bạn đều biết nên sức lan tỏa rất lớn. Do vậy, người dùng nên thận trọng trong cách phát ngôn, cách thể hiện tâm tư tình cảm của mình trên trang cá nhân sao cho có… văn hóa, bởi ngoài đời thực khi bạn được chào mà không được đáp lại thì sẽ không có lần sau tôi chào bạn nữa, còn trên facebook, ai like một bức ảnh của mình mà mình không like lại thì rất có thể mối quan hệ đó sẽ chấm dứt. Nhưng quan trọng hơn là không nên làm kẻ “ăn mày tinh thần, tình cảm” khi suốt ngày than vãn, ỉ ôi trên mạng ảo; thay vì như vậy, hãy dựa vào chính mình để tìm cách giải quyết khó khăn, vướng mắc của mình sẽ hiệu quả hơn. Một vài nút like, bình luận có thể giảm bớt nỗi buồn trong chốc lát. Quen than thở trên facebook sẽ làm người ta ảo tưởng về một sự giải tỏa không có thật và không bao giờ tìm được lối thoát thực sự ngoài đời.
Chị Nguyễn Thị H. một giáo viên tại TP. Buôn Ma Thuột cho biết, facebook chỉ là một thế giới ảo nhưng, nó vẫn là một phần của cuộc sống, dù người sử dụng có viết như thế nào thì những gì có trên trang cá nhân được người khác nhìn nhận là một phần của con người bạn. Bạn ném ra cái gì thì thế giới mạng sẽ trả lại cho bạn cái đó. Mức độ giữa vui hài, tếu táo đến đanh đá hỗn hào rất ngắn, nhiều bạn trẻ không nhận ra mình đã vượt qua giới hạn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Sự tương tác không biên giới của thế giới ảo có sức hút ghê ghớm nhưng cũng là sức mạnh hủy diệt một cá nhân trong chốc lát. Facebook không phải là chốn riêng tư, cũng không phải là cuốn nhật ký để có thể chia sẻ những suy nghĩ của bản thân mà là một trang báo mở, chứa đựng tất cả những thông tin cũ, mới của tất cả mọi người, chỉ cần một cú click chuột là người khác có thể đọc được, do vậy người dùng đặc biệt là các bạn trẻ hãy thận trọng trong phát ngôn, sử dụng hình ảnh, tránh để lại những hậu quả không mong muốn.
Nhật Minh
Ý kiến bạn đọc