Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt vẫn diễn ra gay gắt

09:50, 18/05/2015

Mặc dù đã xuất hiện vài cơn mưa đầu mùa, song hiện nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn diễn ra nghiêm trọng khiến cả đơn vị cung cấp nước và người dân phải loay hoay tìm nguồn nước.

Mỗi ngày thiếu 20.000 m3 nước

Do tình hình khô hạn kéo dài nhiều tháng qua đã làm mực nước ngầm và nước mặt tại hầu hết các sông, hồ trong tỉnh bị sụt giảm mạnh, người dân tại nhiều địa phương đang phải chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Tại TP. Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak cũng đang gặp khó trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn. Hiện, bình quân mỗi ngày đêm thiếu hụt khoảng 20.000 m3 nước.

Trạm bơm nước Cư Pui (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak) là một trong những trạm bơm chính cung cấp nước phục vụ cho cả TP. Buôn Ma Thuột, những ngày này mực nước trong bồn chứa đã xuống còn 1/4 thể tích chứa trung bình những tháng mùa mưa. Hạn hán kéo dài trong 5 tháng qua đã khiến mực nước ngầm sụt giảm trầm trọng khiến trạm không đủ lượng nước để hoạt động hết công suất của các máy bơm. Ông Lê Hữu Lợi, Trạm trưởng Trạm bơm Cư Pui cho biết, trung bình khi cả 4 máy bơm của trạm đều hoạt động thì thể tích nước đạt trên 400 m3/giờ, nhưng hiện nay chỉ luân phiên chạy được 2 máy và đạt dưới 200 m3 nước/giờ. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì trong thời gian tới có thể chỉ bơm được 1 máy mà thôi.

Một hộ dân ở tổ dân phố 6A, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đang thuê thợ về khoan giếng.
Một hộ dân ở tổ dân phố 6A, phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) đang thuê thợ về khoan giếng.

Ông Trần Văn Thiện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Dak Lak cho biết: Nguyên nhân của tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm nay là do lượng mưa ít, nắng hạn kéo dài. Bên cạnh đó, tình trạng tưới cho cây trồng tràn lan bằng giếng khoan đã khiến lượng nước ngầm suy giảm nhanh. Hiện nay, bình quân mỗi ngày TP. Buôn Ma Thuột cần khoảng 60.000 m3 nước sinh hoạt, tuy nhiên tất cả các trạm bơm của công ty (phục vụ cho địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) dù chạy hết công suất cũng chỉ đạt 40.000 m3 nước/ngày đêm. Trong tình trạng thiếu nước như hiện nay, Công ty buộc phải áp dụng lịch cắt nước luân phiên nhằm phân bổ đều lượng nước sử dụng cũng như dự trữ đủ lượng nước cung cấp cho địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Đối với những hộ dân ở xa khu dân cư, khu vực trên cao nước máy khó tiếp cận thì công ty sử dụng xe bồn chở nước đến cung cấp cho người dân. Mỗi lượt xe bồn chỉ chở được khoảng 3.000 m3, cấp tối đa được cho 5 hộ gia đình. Mỗi ngày, Công ty vận chuyển được 5 - 6 xe cho các hộ dân quanh khu vực TP. Buôn Ma Thuột. Theo ông Thiện, tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô ở TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra trong nhiều năm nay. Hiện nay Công ty đã xây dựng thêm công trình cấp nước bổ sung hồ Ea Cuôr Cáp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) với công suất 50.000 m3/ngày đêm, nhưng do hạn hán kéo dài, các mạch nước ngầm cạn kiệt nên đơn vị chỉ khai thác bổ sung được khoảng 5.000 m3/ngày đêm. Trong khi đang chờ UBND tỉnh phê duyệt phương án lấy thêm nguồn nước mặt tại các hồ chứa khác trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận (ngoài phạm vi khai thác hiện nay của công ty) thì người dân nên sử dụng nước tiết kiệm và có phương án dự trữ nước nhằm bảo đảm cho nhu cầu sinh hoạt.

Cần chủ động dự trữ nguồn nước

Với tình trạng cúp nước luân phiên như hiện nay (có khi cúp liên tục từ 3 - 4 ngày mới có một ngày) đã khiến hàng nghìn hộ dân gặp khó khăn, mọi sinh hoạt từ ăn uống, tắm giặt đến việc sản xuất, kinh doanh đều phải tiết kiệm tối đa. Đã nhiều tháng nay mọi sinh hoạt của gia đình chị Trần Kiều Oanh ở tổ dân phố 6A, phường Tân Lợi đều phải chắt chiu từng ca nước. Chị không dám sử dụng đến giặt máy mà chuyển sang giặt bằng tay để tiết kiệm nước, rửa rau xong lại để dành nước đó tưới cây hoặc dội bồn cầu. Hay như gia đình chị Hoàng Thị Thùy Linh ở tổ dân phố 9, phường Ea Tam, mỗi khi được cấp nước trở lại chị đã tận dụng hết mọi xô, chậu, thậm chí là cả xoong, nồi và các vật dụng trong nhà để chứa. Chị cho biết, mặc dù gia đình đã đầu tư một bồn chứa nước 1.500 lít nhưng vẫn không đủ để sử dụng cho nhu cầu của tất cả 7 người trong gia đình, nhất là vào những phiên cúp nước tới 2 - 3 ngày…

Trước thực trạng thiếu nước ngày càng nghiêm trọng, nhiều hộ gia đình đã chủ động tìm nguồn nước sinh hoạt bằng cách đào giếng. Nhà ai có sẵn giếng rồi thì tiếp tục đào sâu thêm, nhà chưa có giếng thì thuê thợ về khoan. Tại địa bàn phường Tân Lợi, nhiều người dân ở các tổ dân phố 6A, 7, 8 cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây có khoảng trên 30 hộ thuê thợ về khoan giếng. Chị Lê Bảo Ngọc ở tổ dân phố 7, phường Tân Lợi đang thuê thợ về khoan giếng 2 ngày nay mà vẫn chưa có nước. Chị cho biết, ở khu vực cao như nhà chị có hộ thuê khoan giếng với giá tiền 20 triệu đồng khoan được 100 m mới gặp một mạch nước ngầm nhỏ, nếu bơm dùng cho sinh hoạt thì chỉ được khoảng 10 phút là hết nước. Theo chị Ngọc, hiện nay ở khu vực này nước thường bị cúp 3 - 4 ngày, thậm chí cả tuần mới được cấp lại một ngày. Tuy nhiên, khi có nước thì các hộ ở phía thấp đã ra sức mở hết công suất các vòi trong nhà để tích trữ nước, những hộ phía trên cao như nhà chị thì ngày có nước cũng như không. Vì vậy, vừa qua gia đình chị và một số hộ dân trong tổ dân phố đã đầu tư mua máy bơm mini lắp trực tiếp đầu hút vào ống nước máy để bơm lên bồn chứa. Với cách làm này, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã có khá nhiều hộ áp dụng, tuy nhiên, việc làm này thường là lén lút nên rất khó phát hiện để xử lý.

Ông Trần Văn Thiện, khuyến cáo: Hiện nay tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang diễn ra gay gắt nên người dân cần sử dụng nước tiết kiệm, chống lãng phí và áp dụng các biện pháp dự trữ nguồn nước sinh hoạt. Việc đầu tư lắp đặt hệ thống đường dẫn nước máy đều được thiết kế theo đúng kỹ thuật, tại mỗi điểm nút đường ống chính và các khu vực từ thấp lên cao đều được lắp đặt hệ thống bơm đẩy thủy lực theo đúng tiêu chuẩn cho phép vừa bảo đảm độ an toàn cho các đường ống, vừa đẩy được dòng chảy lên phía khu vực cao. Vì vậy, việc người dân sử dụng máy bơm hay bất kể một dụng cụ nào tác động đến hệ thống cung cấp nước hoặc dòng chảy trong các đường ống do công ty đầu tư là sai quy định. Công ty sẽ tăng cường hơn nữa khâu kiểm tra, rà soát lại hệ thống đường ống nước đến từng hộ dân để bảo đảm tốt việc người dân được cấp nước thuận lợi. Nếu phát hiện những sai phạm như đã nói trên thì Công ty sẽ ngừng hợp đồng cung cấp nước, đồng thời người vi phạm sẽ bị phạt rất nặng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.