Multimedia Đọc Báo in

Người dân chưa mặn mà với sàng lọc trước sinh

17:30, 27/03/2016
Sàng lọc trước sinh sẽ giúp cho em bé sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Tuy nhiên, nhiều ông bố bà mẹ vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của biện pháp sàng lọc trước sinh…

Khi phụ nữ mang thai trong thời gian từ 11 đến 20 tuần thai, các bác sĩ sẽ lấy 2 ml máu ở thai phụ xét nghiệm để phát hiện một số dị tật bẩm sinh của thai nhi như: Bệnh Down, hội chứng Edwards, hội chứng Patau, dị tật ống thần kinh… Từ đó có biện pháp can thiệp và giúp em bé phát triển trong khả năng cho phép. Lợi ích là vậy nhưng vẫn còn nhiều ông bố, bà mẹ chưa quan tâm đến việc sàng lọc trước sinh.

Cán bộ chuyên trách dân số xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana (bên phải) tư vấn lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân.
Cán bộ chuyên trách dân số xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana (bên phải) tư vấn lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho người dân.

Chị H’Jery Kmăl ở xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) mang bầu đứa con đầu nay đã được 21 tuần thai nhưng chị vẫn chưa thực hiện xét nghiệm máu để sàng lọc trước sinh. Chị H’Jery cho biết: “Cán bộ dân số đã đến nhà tư vấn cho mình về sàng lọc trước sinh, nhưng mình quên nên không thực hiện. Với lại, vợ chồng mình bình thường mà, chắc sinh con ra cũng không việc gì đâu”. Chị Nguyễn Thị Vinh ở xã Quảng Điền (huyện Krông Ana) đang mang bầu đứa con thứ hai được 22 tuần. Mặc dù đã đến các cơ sở y tế để theo dõi sự phát triển của thai nhi, nhưng chị cũng không xét nghiệm máu để sàng lọc trước sinh. Điều chị quan tâm hơn là muốn biết được thai nhi là con trai hay con gái (vì lần sinh đầu tiên của chị là một bé gái).

Qua tìm hiểu thực tế, không riêng gì chị H’Jery và chị Vinh mà nhiều người dân ở Đắk Lắk chưa mặn mà với việc sàng lọc trước sinh. Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai ở Đắk Lắk từ năm 2011 với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Hằng năm, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Hội thảo, tập huấn về chương trình sàng lọc trước sinh; treo băng rôn, khẩu hiệu; nói chuyện chuyên đề; tư vấn hộ gia đình… song nhận thức của người dân về sàng lọc trước sinh còn hạn chế, số lượng phụ nữ mang thai chủ động đi sàng lọc rất thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết các bà mẹ đi khám thai đều ở giai đoạn muộn nên hiệu quả của việc can thiệp sàng lọc trước sinh không cao; nhiều sản phụ đi khám thai mục đích chính là để biết về giới tính thai nhi… Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh, từ năm 2012 đến năm 2015, toàn tỉnh mới chỉ có 9.446 phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm sàng lọc trước sinh trong khi mỗi năm có khoảng 30.000 phụ nữ mang thai (riêng năm 2015 có 30.458 bà mẹ khám thai nhưng cũng chỉ có 5.741 trường hợp sàng lọc trước sinh).

Để thực hiện tốt chương trình sàng lọc trước sinh ở tỉnh ta, bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng cung cấp dịch vụ, thiết nghĩ rất cần sự vào cuộc đồng bộ của cả cộng đồng trong việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho các bà mẹ mang thai chủ động đi sàng lọc trước sinh để sinh ra những em bé thông minh, khỏe mạnh.

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.