Multimedia Đọc Báo in

Đáng lo nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em ở Buôn Đôn

19:00, 02/07/2016

Huyện Buôn Đôn hiện có 14.980 hộ với 64.800 nhân khẩu; trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 24,6% dân số. Những năm gần đây, tai nạn thương tích trẻ em ở huyện Buôn Đôn tăng cao đã gây nên những hậu quả đau lòng cho không ít gia đình và trở thành vấn đề đáng lo ngại ở địa phương.

Trẻ em vui chơi trên sông, hồ mà không có người lớn giám sát dễ xảy ra tai nạn đuối nước. (Ảnh minh họa)
Trẻ em vui chơi trên sông, hồ mà không có người lớn giám sát dễ xảy ra tai nạn đuối nước. (Ảnh minh họa)

Thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích giai đoạn 2013 – 2015, trong thời gian qua, huyện Buôn Đôn đã chú trọng truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em cho bản thân trẻ, gia đình và cộng đồng. Riêng năm 2015, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn đã phối hợp tổ chức 2 buổi ra quân chiến dịch truyền thông, vận động về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; 35 buổi truyền thông trực tiếp tại trường học; 76 buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Tỷ lệ thôn, buôn được phổ biến tuyên truyền chính sách, pháp luật, kỹ năng cơ bản về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đạt 76%. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này là chưa đủ bởi tai nạn thương tích với trẻ em vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn huyện. Theo số liệu tổng hợp của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn, từ năm 2011 đến năm 2015, toàn huyện có 236 trẻ em bị tai nạn thương tích, làm chết 18 em; từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 3 trẻ tử vong do tai nạn. Những nguyên nhân chủ yếu gây ra thương tích ở trẻ em như: tai nạn giao thông, bị ngã, đuối nước, ngộ độc...; trong đó, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Bà Cù Thị Nụ, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn cho biết: “Hiện nay, cơ sở vật chất sinh hoạt, vui chơi giải trí cho trẻ em ở các xã trên địa bàn huyện Buôn Đôn còn thiếu thốn. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm của gia đình về phòng chống tai nạn thương tích chưa cao. Những gia đình nghèo thì bố mẹ thường xuyên đi làm, còn các con ở nhà tự chơi với nhau; một số gia đình khác chỉ lo làm ăn, chưa quan tâm đúng mức đến con cái”. Nhiều vụ tai nạn đã gây nên những hậu quả đau lòng cho các gia đình. Như gia đình chị H’Baer Êban (buôn Knia 4, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) có 3 người con thì có 2 đứa tử vong đều do đuối nước. Trong đó, người con đầu là Y Thoang Êban chết đuối năm 2006 khi mới 6 tuổi, người con thứ hai là Y Ruyên Êban (SN 2007) mới bị tử vong do đuối nước vào ngày 11-6 vừa qua khi cùng bạn đi tắm hồ ở buôn Knia 1. Bạn của Y Ruyên  là Y Sái Hmok (10 tuổi, trú tại buôn Knia 1, xã Ea Bar) cũng tử vong. Chị H’Biếu Hmok, mẹ của Y Sái đau xót cho hay, vì hoàn cảnh khó khăn nên hằng ngày vợ chồng chị lo việc lao động mưu sinh và để các con ở nhà tự chơi với nhau mà không có ai trông coi, quản lý.

Thiết nghĩ, nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tai nạn thương tích cho trẻ em, các cấp ngành ở huyện Buôn Đôn cần thực hiện hiệu quả hơn các nội dung hoạt động của Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Trong đó, cần chú trọng đầu tư xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em, duy trì các hoạt động sinh hoạt, xây dựng kỹ năng sống cho trẻ em, nhất là mỗi dịp hè về; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục nâng cao trách nhiệm của cộng đồng về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. 

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.