Multimedia Đọc Báo in

Nan giải xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội - Kỳ I

10:09, 05/10/2016

Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là những chính sách xã hội đặc biệt quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội. Thế nhưng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động, dẫn đến nợ đọng kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. 

Kỳ 1: Doanh nghiệp nợ BHXH, người lao động thiệt thòi

Tình trạng các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN  là vấn đề đã cũ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa khi nào giảm “sức nóng”.

Hàng trăm doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài

8 tháng đầu năm 2016, BHXH thành phố Buôn Ma Thuột có 1.103 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đăng ký nộp BHXH, BHYT, BHTN, nhưng có tới 430 DN nợ các khoản tiền này từ 3 tháng trở lên và 267 DN nợ từ 6 tháng trở lên với số nợ trên 37 tỷ đồng.

Không chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột, mà tình trạng DN nợ BHXH, BHYT, BHTN đang xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh với số nợ ngày một gia tăng,  trong đó có nhiều DN nợ kéo dài nhiều năm với số tiền nợ lớn. Chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và vật liệu Thành Đô (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) có 21 cán bộ quản lý và người lao động được đóng BHXH nhưng từ cuối năm 2011 đến nay, đơn vị đã nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN hơn 1,5 tỷ đồng. Hay như Công ty Cổ phần Thi công cơ giới Đồng Tâm (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù đã cắt giảm tối đa số lao động tham gia BHXH từ 70 người xuống còn 31 người, nhưng vẫn không thể xoay xở đóng BHXH kịp thời cho người lao động. Đến tháng 8-2016, Công ty còn nợ BHXH 779 triệu đồng, trong đó có tới 387,7 triệu đồng tiền lãi.

Nhân viên đại lý thu tại Bưu điện huyện Lắk tư vấn BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Nhân viên đại lý thu tại Bưu điện huyện Lắk tư vấn BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Tương tự, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thái Vinh (Cụm Công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập từ năm 2010 với khoảng 40 cán bộ, công nhân lao động, nhưng mới chỉ có 5 người được tham gia BHXH, trong đó có 3 cán bộ quản lý và 2 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, công ty đã “quên” luôn việc trích đóng bảo hiểm cho 5 người này và số nợ lên đến 379 triệu đồng. Mặc dù Đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành kiểm tra từ tháng 4-2016, có biên bản nhắc nhở và đơn vị cũng đã ký cam kết trả nợ 20 triệu đồng/tháng, nhưng 5 tháng qua, đơn vị mới thực hiện được duy nhất 1 tháng. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc điều hành của công ty cho hay, sở dĩ công ty có ít lao động tham gia BHXH vì việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lo đủ các khoản thuế, lương và những chi phí khác cũng đã khó, nếu trích đóng BHXH và hạch toán vào chi phí sản xuất thì sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh trên thị trường.

Quyền lợi người lao động bị bỏ quên

Trên thực tế, có những đơn vị luôn quan tâm, chăm lo quyền lợi cho người lao động thông qua việc tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN. Điển hình như Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm mỗi năm trích nộp khoảng 1 tỷ đồng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho 90 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hay Chi nhánh Công ty Cổ phần Sun Taxi tại Đắk Lắk, tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5-2015 đến nay, nhưng đã tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho cả 34 lao động với số tiền mỗi tháng gần 40 triệu đồng.

Sản xuất thép hộp tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thái Vinh.
Sản xuất thép hộp tại Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thái Vinh.

Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn có rất nhiều DN xem nhẹ quyền lợi của người lao động. Theo các công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần sản xuất Thương mại Thái Vinh, ngay cả những lao động đã làm việc ở đây được 4-5 năm vẫn chưa được ký kết hợp đồng lao động nên không thể tham gia BHXH. Vì vậy, các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động đối với họ rất… xa vời. Anh V.T.N đã làm việc tại công ty được 3 năm thẳng thắn: “Lúc mới vào làm tôi có hỏi về việc ký hợp đồng lao động nhưng công ty nói làm tháng nào trả tiền tháng đó không cần ký hợp đồng. Tôi cũng muốn được tham gia BHXH để sau này có chế độ nhưng công ty không quan tâm cũng đành chịu. Xin việc làm bây giờ rất khó khăn, mình nghỉ họ tuyển người khác ngay, thà chịu thiệt thòi một chút mà có việc làm còn hơn thất nghiệp”.

Không những thế, một số lao động đã từng đóng bảo hiểm ở đơn vị khác, khi chuyển về làm việc tại đây vẫn muốn tiếp tục tham gia nhưng công ty cũng “làm lơ”. Anh N.Q.L đã làm việc ở công ty được gần 3 năm cho biết: “Trước đây tôi làm việc tại một nhà máy sản xuất thép xây dựng và đã đóng BHXH được 5 năm. Khi biết công ty này cần tuyển lao động, tôi đã xin vào làm để thuận tiện việc đi lại và bày tỏ mong muốn được tiếp tục đóng BHXH. Nhưng công ty không chấp thuận nên tôi đành trích tiền lương của mình để đóng BHXH tự nguyện”.

Ông Trần Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần thi công cơ giới Đồng Tâm đã có hơn 36 năm công tác và có quyết định nghỉ hưu từ tháng 8-2016. Tuy nhiên, do công ty mới chỉ đóng BHXH cho người lao động đến tháng 3-2016 nên ông Thành chưa được BHXH tỉnh chốt sổ để giải quyết chế độ hưu trí và ông cho biết, công ty còn có 7 trường hợp khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: “Việc DN nợ BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Theo quy định, đơn vị đóng BHXH, BHYT, BHTN đến đâu thì giải quyết đến đó nên tại nhiều DN, người lao động đến tuổi về hưu, nghỉ ốm đau, thai sản nhưng vẫn chưa được giải quyết chế độ. Cá biệt, có trường hợp nghỉ thai sản đến khi con đã 5-6 tuổi nhưng vẫn chưa được thanh toán chế độ”.

Theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 8 - 2016, số tiền nợ BHXH trên địa bàn tỉnh do các đơn vị, DN sử dụng lao động không đóng, trốn đóng, nợ đọng lên đến trên 91 tỷ đồng. Trong đó nợ BHXH gần 70 tỷ đồng; nợ BHYT trên 16,5 tỷ đồng và nợ BHTN gần 4,6 tỷ đồng.

Kim Oanh – Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.