Multimedia Đọc Báo in

Bất cập khu tái định cư ở Ea Đăh

16:15, 26/11/2016

Nhằm tạo điều kiện cho đồng bào người Mông tại tiểu khu 342 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn huyện Krông Năng – tức thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng) phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng, năm 2004, từ nguồn hỗ trợ thuộc Chương trình 134 và 167 của Chính phủ, UBND tỉnh và huyện Krông Năng đã đầu tư xây dựng khu tái định cư (TĐC) ngay cạnh trung tâm xã Ea Đăh để đưa bà con tới định cư, từng bước ổn định cuộc sống.

Khu TĐC được đầu tư đầy đủ các nhu cầu cần thiết như nhà ở, điện, công trình cấp nước, nhà sinh hoạt văn hóa. Mỗi hộ dân được cấp một căn nhà cấp 4 có diện tích 24 m2 và 5 sào đất để sản xuất nông nghiệp. Được biết mới đầu, người dân rất phấn khởi vì được ở ngay trung tâm xã, điều kiện đi lại cũng thuận tiện hơn. Tuy nhiên, chỉ 1-2 năm sau, đa phần các hộ dân về lại thôn cũ.

Khu tái định cư đa phần   chỉ có trẻ em và người già sinh sống.
Khu tái định cư đa phần chỉ có trẻ em và người già sinh sống.

Tại khu TĐC bây giờ, có khá nhiều căn nhà đã đóng cửa không có người ở. Số ít nóc nhà có người thì hầu hết là người già và trẻ nhỏ, đi dọc ngôi làng, thi thoảng lại bắt gặp một cụ bà người Mông ôm cháu nhỏ ngồi tựa cửa... Từ nhiều năm nay, ngôi nhà được cấp cho gia đình anh Hờ A Tóng và chị Sùng Thị Khua chỉ có 3 đứa con nhỏ sinh sống để tiện cho việc học, còn 2 vợ chồng thì vẫn ở thôn Giang Đông cũ mưu sinh. Căn nhà vắng bàn tay người lớn, mọi thứ trở nên khá luộm thuộm, thiếu thốn, chỉ duy nhất góc học tập, nào sách vở, đồ dùng... là được dọn dẹp ngăn nắp. Hằng ngày, Hờ Thị Dở (đang học lớp 4)  cùng chị gái Hờ Thị Cháo (học lớp 6) và anh trai Sùng A Trỉnh (học lớp 8) phải tự lo cơm nước; chỉ đến cuối tuần, thậm chí nửa tháng, bố mẹ mới ra thăm, cho thêm ít tiền để lũ trẻ tự trang trải sinh hoạt. Dở tâm sự: “Thường ngày, bố mẹ còn phải lên nương, làm rẫy, nên ít có thời gian rảnh. Những khi nhớ bố mẹ thì mấy anh em lại tranh thủ ngày nghỉ để vào thăm, phụ giúp việc nhà…”.  

Đi gần hết khu TĐC, chúng tôi mới bắt gặp một vài người lớn. Gia đình anh Hờ Nhà Di (sinh năm 1964) là gia đình hiếm hoi ở đây có đầy đủ vợ chồng, con cái sống. Anh Di cho biết, 8 người ở căn nhà tuy có chật chội thật nhưng được cái con cái đi học thuận tiện. Với 5 sào đất cấp, anh trồng mì, mỗi năm cao lắm cũng chỉ thu được chừng 20 triệu đồng; nên vợ chồng anh phải vất vả làm các nghề như phụ hồ, làm rẫy thuê… để kiếm tiền mưu sinh.

Theo nhiều người dân ở đây, việc xây dựng khu TĐC để ổn định cuộc sống cho bà con là chủ trương đúng đắn, song trên thực tế, nhiều hộ sau khi nhận đất, nhận nhà vẫn chưa thể định cư. Nguyên nhân chính do việc bố trí xây dựng nhà ở diện tích nhỏ, đất đai đã ít lại dốc, cằn cỗi khiến người dân   canh tác gặp nhiều khó khăn. Vì vậy họ quay về thôn cũ dựa vào bìa rừng để làm kế sinh nhai.

Theo ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch xã Ea Đăh, trước thực tế người dân bỏ khu TĐC quay về sinh sống tại thôn Giang Đông cũ, địa phương đã vận động, tuyên truyền bà con trở lại khu TĐC nhưng không mấy hiệu quả. Hiện tại, đời sống của người Mông ở thôn Giang Đông vẫn chưa hết khó khăn, toàn thôn có đến 95% hộ nghèo...

Như vậy, cho dù bỏ khu TĐC để quay về thôn cũ, người dân thôn Giang Đông vẫn không thoát được nghèo. Thiết nghĩ để phát huy hết công năng của cơ sở hạ tầng khu TĐC đã được đầu tư, cần rà soát để có sự điều chỉnh phù hợp (đặc biệt là diện tích canh tác) để người dân có thêm điều kiện an tâm định cư, được thụ hưởng các dịch vụ văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế ở khu vực dân cư được quy hoạch.  

Quỳnh Đỗ


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.