Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả thiết thực từ việc ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế tuyến cơ sở

10:04, 13/02/2017

Được Sở Y tế triển khai thực hiện từ năm 2014, Đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý hoạt động trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” (phần mềm quản lý y tế MMS.net) đến nay đã bước đầu phát huy hiệu quả.

Nhiều tiện ích trong quản lý hoạt động y tế

Trong khuôn khổ đề tài, Ban chủ nhiệm đã chọn triển khai thí điểm tại Trạm y tế xã Hòa Xuân, phường Tân Tiến và Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột). Thạc sĩ Trần Thanh Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển công nghệ Đất Việt – đơn vị phối hợp với Sở Y tế xây dựng phần mềm MMS.net cho biết: “Phần mềm MMS.net tích hợp và hoàn thiện 16 module chính. Đây là những ứng dụng cần thiết, sát với nhu cầu sử dụng thực tế như: Hệ thống quản lý khám bệnh; quản lý kho dược phẩm; quản lý điều trị nội trú, ngoại trú; hệ thống quản lý tiêm chủng, phòng dịch; quản lý đối tượng bảo hiểm y tế; kết nối liên thông thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT)...”. Đến nay, phần mềm này đã hoàn thiện chỉ cần đưa dữ liệu vào là có thể sử dụng.

Theo bác sĩ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế, Chủ nhiệm đề tài, phần mềm ứng dụng CNTT này có những ưu điểm nổi bật như: Sở Y tế là đơn vị trực tiếp làm chủ mã nguồn nên không bị phụ thuộc vào đối tác mà vẫn có thể tự nâng cấp, cập nhật thay đổi dữ liệu vào bất kỳ thời điểm nào, tùy vào nhu cầu thực tế sử dụng; cán bộ trong ngành có khả năng chủ động xử lý sự cố kỹ thuật, giúp phát huy được sức sáng tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ ngành Y tế…

Cán bộ  y tế phường Thành Công  (TP. Buôn Ma Thuột) ứng dụng CNTT  trong  quản lý y tế.
Cán bộ y tế phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) ứng dụng CNTT trong quản lý y tế.

Toàn tỉnh hiện có 184 trạm y tế xã, phường, các đơn vị này có nguồn nhân lực mỏng nhưng lượng công việc nhiều. Nếu vẫn quản lý cơ sở bằng phương pháp thủ công sẽ khiến cho cán bộ y tế không còn nhiều thời gian thực hiện các công tác chuyên môn, bồi dưỡng nghiệp vụ. Việc ứng dụng CNTT giúp cho trạm y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, chuẩn hóa thông tin dữ liệu y tế, chủ động hơn trong việc thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý chỉ đạo. Bác sĩ Đỗ Thanh Hải, Phó Trưởng Trạm Y tế phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Qua sử dụng, phần mềm này mang lại nhiều tiện ích, nhất là trong khâu khám chữa bệnh để người bệnh được hưởng dịch vụ khám bệnh tốt. Số liệu tại cơ sở được cập nhật hằng ngày, công tác phòng chống dịch bệnh cũng được báo cáo kịp thời, chính xác”.

Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT còn rất nhiều ưu điểm như: khả năng kết nối với tuyến huyện, tỉnh; tự động đồng bộ dữ liệu y tế các cấp xã/phường - huyện – tỉnh thông qua mạng Internet; sử dụng thống nhất hệ thống danh mục dữ liệu do các đơn vị liên ngành ban hành, đặc biệt là kết nối liên thông thanh toán BHYT một cách hiệu quả.

Tiếp tục nâng cấp phần mềm

Đến nay, do tính cấp thiết của công tác liên thông dữ liệu thanh toán BHYT nên Ban Chủ nhiệm đề tài đã triển khai đến 21 trạm y tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và 8 trạm y tế trên địa bàn huyện Cư Kuin. Các trạm y tế này đều đã sử dụng thuần thục phần mềm MMS.net, dữ liệu được đẩy lên cổng giám định đầy đủ, kịp thời theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.

 
“Trước đây công tác thanh toán BHYT bằng phương pháp thủ công nên gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tính toán giá tiền quyết toán. Từ khi triển khai phần mềm ứng dụng quản lý y tế MMS.net thì công tác này trở nên thuận lợi, nộp báo cáo luôn kịp thời. Từ đó, thanh toán bảo hiểm cũng nhanh hơn”
 
Dược sĩ Nguyễn Thị Hà, Trạm Y tế phường Thành Công 

Tuy vậy, việc ứng dụng CNTT vào quản lý y tế cũng gặp không ít khó khăn, nhất là thiếu nguồn nhân lực. Theo bác sĩ Nguyễn Uyên Bích Thụy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tân Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) thì trong quá trình sử dụng nhiều khi mạng bị nghẽn do thời tiết nên cần phải có cán bộ kỹ thuật hỗ trợ. Hiện nay, lực lượng cán bộ này còn khá mỏng chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là vào giai đoạn cao điểm như tiêm chủng hay khi dịch bệnh bùng phát. Ông Lê Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Buôn Ma Thuột chia sẻ: “Hiện tại, cơ sở vật chất của trạm y tế phường, xã còn thiếu, đặc biệt là các dàn máy tính đã cũ, không còn phù hợp để thực hiện quá trình đưa ứng dụng phần mềm vào quản lý một cách hiệu quả nhất. Các cán bộ y tế xã, phường cần tập huấn thường xuyên để nắm bắt và cập nhật được công nghệ tốt hơn”.

Từ những kết quả ban đầu có thể thấy việc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động trạm y tế xã, phường là bước đi cần thiết, đặt nền tảng vững chắc cho việc số hóa hệ thống y tế tỉnh nhà trong tương lai không xa. Hiện nay, Sở Y tế cùng các đơn vị phối hợp tiếp tục xây dựng đề án, nâng cấp, bổ sung những tính năng còn thiếu mà trong phạm vi đề tài chưa đáp ứng, để có thể tiến hành triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, phục vụ việc khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh cho người dân tại tuyến cơ sở.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.